DIỄN ĐÀN VỀ VIỆC CÔNG BỐ ĐIỂM THI LUẬT SƯ

Xã hội không lấy điểm thi làm thước đo năng lực luật sư

(PLO)- Việc công bố công khai điểm thi luật sư không chỉ phù hợp theo quy định của pháp luật mà còn thể hiện tính công khai minh bạch của kỳ thi; góp phần cho thấy chất lượng hướng dẫn tập sự.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xung quanh việc công bố điểm thi luật sư là đúng luật hay vi phạm quyền riêng tư, PLO tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Luật sư ĐÀO NGUYỄN HƯƠNG DUYÊN, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Nếu muốn bảo mật điểm thi, cần sửa các quy định pháp luật

luat-su-dao-nguyen-huong-duyen.jpeg
Luật sư Đào Nguyễn Hương Duyên.

Việc công bố kết quả thi thi tập sự hành nghề luật sư hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật hiện nay về nhiệm vụ và quyền hạn trong công tác tổ chức kiểm tra theo quy định của Luật Luật sư 2006, sửa đổi bổ sung 2012 và Thông tư 10/2021 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư.

Do đó, tôi ủng hộ việc công bố thông tin như vậy. Việc công bố vừa tạo tính công khai, minh bạch cho kỳ thi; vừa phù hợp với hướng dẫn của Bộ Tư pháp về nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng kiểm tra.

Nếu ai đó sử dụng thông tin công khai này để hạ uy tín của người khác hay thậm chí xúc phạm danh dự, nhân phẩm họ thì lúc này Bộ luật Hình sự sẽ điều chỉnh. Việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm không quá quan trọng thông tin này là công khai hay không công khai.

Việc gửi email kết quả thi cho từng thí sinh cũng không phải là vấn đề khó khăn trong thời đại công nghệ thông tin. Tuy nhiên, để làm như vậy, cần sửa các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về vấn đề này để đồng bộ và thống nhất hơn trong việc tổ chức kiểm tra và công bố điểm thi.

Luật sư BÙI KHẮC TOẢN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Xã hội không căn cứ vào “điểm thi” để đánh giá năng lực luật sư

cong-bo-diem-thi-luat-su-1.jpeg
Luật sư Bùi Khắc Toản (thứ hai từ trái qua). ẢNH: TRẦN LINH

Kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư là việc đánh giá toàn diện về đạo đức, kiến thức pháp luật của người luật sư tương lai và khả năng áp dụng các nguyên tắc pháp lý của họ vào các tình huống khác nhau. Nó kiểm tra sự hiểu biết của họ về các chủ đề như Hiến pháp, pháp luật về hình sự, pháp luật về dân sự...

Việc vượt qua kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư phần nào chứng tỏ năng lực và khả năng hành nghề luật sư của người dự thi.

“Điểm thi” không phải là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân, theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 13/2023. Vì vậy, việc “công bố điểm thi” không xâm phạm đến quyền riêng tư của cá nhân. Công bố kết quả kỳ thi minh bạch, hạn chế tiêu cực, tránh nâng đỡ, chạy sửa điểm…. Tuy nhiên, khi “công bố điểm thi” cũng cần lưu ý, không nên đưa những thông tin gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân đó, như số CCCD, địa chỉ, số điện thoại, quê quán...

Người tập sự tham gia kỳ thi cũng như luật sư, ai cũng phải học và trải qua kỳ thi sát hạch có phần thi liên quan đến “Luật luật sư, Bộ quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư Việt Nam”, nên ai cũng biết Điều 21 Bộ quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư Việt Nam quy định về những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp: “…Có lời nói, hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp hoặc gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp…”.

Vì vậy, là luật sư thực thụ đã được học bài bản và đã trải qua kỳ sát hạch rồi thì không ai dám sử dụng “điểm thi” để hạ uy tín của đồng nghiệp. Thực tế trong việc hành nghề luật sư, khách hàng, xã hội cũng không căn cứ vào “điểm thi” để làm thước đo đánh giá năng lực của luật sư, uy tín của luật sư phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: Đạo đức, phẩm chất, năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh... của luật sư.

Luật sư TRẦN VÂN LINH, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Công bố điểm thi không vi phạm quyền riêng tư

luat-su-tran-van-linh.jpeg
Luật sư Trần Vân Linh.

Việc công bố bằng cách thông báo tại các trường hay đăng trên trang web của các trường hoặc tổ chức hành nghề đều nhằm mục đích thông báo kết quả một cách công khai, thuận tiện cho các thí sinh tra cứu kết quả, các thông tin cơ bản của cá nhân thí sinh cũng nhằm mục đích tránh sự nhầm lẫn giữa người này, người khác mà không xâm phạm đến quyền về nhân thân của ai.

Tôi cho rằng quyền riêng tư không áp dụng trong trường hợp công bố kết quả thi, kiểm tra. Không có sự phân biệt người có kết quả đậu với người không đậu. Nếu nói công bố thông tin kỳ thi kết quả tập sự hành nghề luật sư là vi phạm quyền riêng tư là không đúng.

Luật sư KIM RON THA, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Góp phần đánh giá chất lượng hướng dẫn tập sự

ls kim- ron-tha

Việc công bố điểm cũng là một hình thức công khai minh bạch trong hoạt động giáo dục. Việc công khai bảng điểm cũng tùy thuộc vào quy chế của nhà trường, của cơ quan tổ chức thi. Riêng về việc công khai điểm thi luật sư thì đã có quy định trong Luật Luật sư và Thông tư 10/2021 của Bộ Tư pháp.

Ngoài tính công khai, minh bạch thì việc công bố điểm thi còn góp phần đánh giá chất lượng và sự chu đáo của văn phòng luật sư trong công tác hướng dẫn tập sự hành nghề cho các luật sư tập sự.

Luật sư VŨ XUÂN HOẰNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Công bố kết quả thi chỉ là vấn đề đưa tin mang tính chất thời sự

luat- su-vu-xuan-hoang.jpeg
Luật sư Vũ Xuân Hoằng

Việc công bố kết quả thi kiểm tra tập sự hành nghề luật sư chỉ đơn giản là vấn đề đưa tin mang tính chất thời sự. Nếu cho rằng vấn đề này xâm phạm đến quyền riêng tư và đời tư của cá nhân thí sinh là không đúng, việc công bố như thế nó không có quá nhiều ảnh hưởng đến quyền riêng tư hay các quyền về nhân thân.

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Công khai để hạn chế và phòng ngừa tiêu cực

luat-su-tran-ngoc-quy.jpeg
Luật sư Trần Ngọc Quý.

Việc công bố kết quả điểm thi nên bảo đảm tính công khai theo quy định pháp luật để phòng tránh tiêu cực phát sinh. Thí sinh tham dự thi phải chấp hành theo nội quy kỳ thi kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư.

Trường hợp, cá nhân nào lợi dụng dụng kết quả để làm tổn hại đến lợi ích, uy tín, danh dự của người tham dự kỳ thi sẽ bị đề nghị xem xét xử lý theo quy định pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dự thi.

Khi kết quả thi được công khai theo quy định pháp luật, mọi người có quyền thực hiện quyền giám sát, kiểm tra theo quy định pháp luật; hạn chế và phòng ngừa tiêu cực phát sinh; đảm bảo công bằng, khách quan đối với kỳ thi kiểm tra quan trọng trước khi bước vào hành nghề luật sư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm