Bệnh viện Chợ Rẫy sẵn sàng hỗ trợ miền Tây chống dịch

“Gần đây, trước tình hình dịch COVID-19 tại khu vực miền Tây diễn biến khó lường, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã cử nhiều đoàn cán bộ, nhân viên y tế có kinh nghiệm chống dịch đến Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu… để khảo sát tình hình. Bên cạnh đó, BV cũng tư vấn cho các địa phương nói trên những biện pháp chống dịch hiệu quả nhất” - TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM chiều 4-11.

Y tế địa phương thiếu kinh nghiệm chống dịch

. Phóng viên: Ông nhận định thế nào về nhân lực và trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các tỉnh miền Tây?

+ TS-BS Nguyễn Tri Thức: Qua nhiều ngày khảo sát và làm việc tại các tỉnh miền Tây, chúng tôi nhận ra nhiều vấn đề cần gấp rút chấn chỉnh nhằm giúp công tác phòng chống dịch có thể đạt hiệu quả cao nhất, giảm tỉ lệ tử vong đến mức thấp nhất.

Trong đó, việc chia sẻ các kinh nghiệm về hồi sức cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 toàn diện… là những nhiệm vụ trọng tâm của các đoàn công tác BV Chợ Rẫy. Chưa hết, lực lượng cán bộ y tế tại địa phương vốn chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch COVID-19, kiểm soát nhiễm khuẩn… Đây cũng là những vấn đề mà các đoàn công tác của BV phải chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương.

Ở một số địa phương thuộc miền Tây, dù dịch đã ở cấp độ 4 nhưng các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 chưa đạt đến mức độ sẵn sàng. Việc phân tầng điều trị còn nhiều hạn chế, chưa rõ ràng. Trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm… đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch còn thiếu. Đặc biệt là thiếu hệ thống ôxy lỏng, vốn rất quan trọng để cứu sống các trường hợp nhiễm COVID-19 diễn tiến nặng và nguy kịch.

. Ông có thể nêu những phương án hữu hiệu để các tỉnh miền Tây ngăn được tình trạng bùng phát dịch bệnh trên diện rộng?

+ Một khi không khống chế nhanh, dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Tây sẽ bùng phát trên diện rộng và rất khó kiểm soát.

Trước tình huống cấp bách đó, BV Chợ Rẫy đã cử nhiều đoàn y bác sĩ dày dạn kinh nghiệm đến “cắm chốt” tại các tỉnh để hướng dẫn ngành y tế địa phương công tác điều trị, phân tầng, phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, xét nghiệm, cách ly, truy vết. Chưa hết, BV cũng đã tư vấn cho các địa phương tính cấp bách của việc phủ vaccine ngừa COVID-19 cho dân trên địa bàn để hạn chế tỉ lệ tử vong khi dịch bùng phát.

Bên cạnh đó, các địa phương phải nhanh chóng trang bị hệ thống ôxy lỏng cho các cơ sở điều trị, hồi sức. Ngoài ra, phải thiết lập đầy đủ các tầng điều trị và tạo mối liên hệ giữa các tầng này. Song song đó, phải xây dựng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn một cách chuẩn mực; xây dựng các quy trình về truy vết, cách ly, quy trình xuất viện; nâng cao năng lực xét nghiệm; chuẩn bị nguồn máu phục vụ công tác điều trị bệnh nhân…

Một điều đáng lưu ý, những công việc nói trên phải được triển khai một cách đồng bộ và nhanh nhất có thể. Có như vậy mới hy vọng khống chế dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

BS CK1 Huỳnh Quang Đại (bìa phải) làm trưởng đoàn chi viện BV Chợ Rẫy đã có mặt tại Bạc Liêu từ ngày 27-10, tiến hành khảo sát thực địa tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh. Ảnh: BVCR

Bạc Liêu đối mặt bùng phát dịch bệnh COVID-19

. Theo nhận định của ông, địa phương nào ở miền Tây đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 cao nhất?

+ Sau các chuyến khảo sát, hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 cho ngành y tế các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng… đoàn công tác của BV Chợ Rẫy đã đến “cắm chốt” tại Bạc Liêu từ ngày 27-10.

Theo đánh giá của chúng tôi, diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại Bạc Liêu rất phức tạp với số ca mắc mới trong cộng đồng mỗi ngày trên 400 ca. Trong khi chất lượng của các cơ sở thu dung, điều trị còn nhiều hạn chế, nhân viên y tế cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chủ động ứng phó với dịch bệnh.

. Tỉnh Bạc Liêu đã nhận được sự hỗ trợ gì từ phía BV Chợ Rẫy để ngăn chặn dịch COVID-19, thưa ông?

+ Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngay sau buổi họp với lãnh đạo và ngành y tế tỉnh Bạc Liêu vào ngày 1-11, BV Chợ Rẫy cấp tốc hỗ trợ tỉnh này 18.000 liều vaccine Pfizer và 35.000 liều vaccine AstraZeneca (trong đó có 5.000 liều do BV Thống Nhất (TP.HCM) hỗ trợ). Tỉnh này cũng được nhận năm xe tiêm chủng cơ động từ Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải.

Bên cạnh đó, BV Chợ Rẫy cũng xuất kho dự trữ của Bộ Y tế để hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu các trang thiết bị, vật tư y tế nhằm đáp ứng nhanh nhất có thể cho công tác phòng chống dịch tại địa phương này. Ngày 2-11, BV Chợ Rẫy cũng đã mang hai máy xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 và cử các chuyên gia xét nghiệm xuống hỗ trợ cho Bạc Liêu. Hai máy xét nghiệm nói trên được lắp đặt tại Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai và Trung tâm Y tế huyện Phước Long.

Đặc biệt, nhân viên y tế nhiều kinh nghiệm của BV Chợ Rẫy trực tiếp hỗ trợ ngành y tế Bạc Liêu công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 và xây dựng các cơ sở thu dung, điều trị; công tác phân tầng điều trị, cách ly, truy vết, xét nghiệm…

. Xin cám ơn ông.

Các tỉnh miền Tây tổ chức tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi

Những ngày qua, các tỉnh miền Tây đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi. Loại vaccine tiêm chủng đợt này đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi nói trên là vaccine Pfizer.

Sáng 4-11, tỉnh Cà Mau bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi trên địa bàn. Trước đó, Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên ở miền Tây tiêm vaccine cho học sinh cấp 3.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm