Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch nói trên, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã nhanh chóng tiêu hủy các đàn heo mắc bệnh. Tiêu độc, khử trùng và thực hiện các biện pháp khống chế dịch bệnh tại các khu vực lân cận.
UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi. Ảnh: LÊ ÁNH
Cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã nhanh chóng thành lập ba chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tạm thời tại xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng trên quốc lộ 14 (giáp Đắk Nông); trạm Chơn Thành tại huyện Chơn Thành trên quốc lộ 13 và trạm Tân Lập trên đường ĐT741 (giáp Bình Dương). Các trạm kiểm dịch sẽ hoạt động 24/24 để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển động vật ra vào tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh cũng vừa mới ban hành công văn hỏa tốc về thực hiện các biện pháp khẩn cấp ứng phó với bệnh dịch tả heo châu Phi.
Công văn nêu rõ: Đối với các địa phương có bệnh phải xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Tổ chức tổng vệ sinh, xử lý heo bị bệnh, heo chết, phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển heo, sản phẩm của heo ra khỏi vùng dịch trên địa bàn.
Các hộ gia đình đã chủ động phòng chống dịch tả heo Châu Phi.
Cùng với đó, kiên quyết không cho giết mổ nếu cơ sở hoạt động không phép hoặc không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y. Tăng cường nhân lực cho việc kiểm soát giết mổ để đảm bảo động vật được đưa vào giết mổ đều khỏe mạnh.
Với những địa phương chưa xuất hiện dịch, cần chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh. Tuân thủ việc lấy mẫu để xác định chính xác bệnh. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo và sản phẩm của heo. Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định. Tiêu hủy đối với các loại heo, sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu trái phép từ các địa phương có dịch vào địa bàn quản lý.
Ngoài ra, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch cho người dân hiểu rõ, giúp người dân chủ động phòng dịch, không bán chạy heo chết ra thị trường.
Được biết, cả tỉnh Bình Phước có khoảng hơn 11 ngàn hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, hơn 250 trại chăn nuôi tập trung, với tổng đàn heo lên đến hơn 700 ngàn con. Đến thời điểm này, nhiều hộ, trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động mua vôi bột, thuốc sát trùng khử khuẩn chuồng trại, xung quanh khu vực chăn nuôi.