Dân canh nhà máy đường như canh trộm!

Lo nhà máy tẩu tán đường trong kho không trả nợ nên nông dân lập chốt canh nhà máy bất kể ngày đêm.

Hiện vụ mía đã kết thúc hơn ba tháng nhưng đến nay Công ty Cổ phần Nivl (100% vốn Ấn Độ) đóng tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức (Long An) còn nợ nông dân cả trăm tỉ đồng. Dù công ty đã nhiều lần cam kết với chính quyền là sẽ trả nợ tiền mua mía của nông dân nhưng luôn thất hứa nên người dân lập chốt, sợ công ty bỏ của chạy lấy người.

Không chỉ dân mà các ngân hàng cũng cử người đến giữ số đường trong kho vì sợ công ty mang bán…

Theo ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Lương Hòa (Bến Lức), ông trồng 10 ha mía và cuối vụ ông bán gần 900 tấn mía cho công ty. Theo hợp đồng, trong vòng bảy ngày sau khi cân mía, công ty phải thanh toán tiền dứt điểm cho nông dân. Tuy nhiên, hơn ba tháng qua, nhà máy còn nợ ông gần 700 triệu đồng. Không đòi được tiền nên ông phải vay tiền chịu lãi để trả tiền công đốn mía, tiền vận chuyển…

Ngoài nông dân trồng mía, thương lái mua mía của nông dân bán cho nhà máy cũng méo mặt vì công ty nợ tiền.

Một nhóm nông dân canh không cho đường xuất khỏi nhà máy. Ảnh: HN

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện mỗi ngày có khoảng 10 nông dân “trực chiến” tại khu vực phòng tài chính của công ty. “Ban đêm chúng tôi mang mùng mền, chiếu gối canh ngoài cổng, không cho một hột đường nào lọt ra khỏi công ty khi chúng tôi chưa nhận được tiền” - ông Lại Hồng Sứ, một thương lái xã Lương Hòa bị nhà máy nợ 700 triệu đồng nói.

Theo bà Nguyễn Lê Thúy Oanh, Chủ tịch UBND xã Lương Hòa, vụ này cả xã trồng hơn 1.600 ha mía và người dân đang thua lỗ, lại bị công ty thiếu nợ nên không có tiền để đầu tư cho mùa mới.

“Chính quyền địa phương đã buộc công ty cam kết trả nợ không biết bao nhiêu lần nhưng chẳng lần nào họ làm đúng lời hứa. Nông dân bức xúc đã vây nhà máy, xô xát với bảo vệ. Hiện người dân cử người thay phiên canh chừng” - bà Oanh cho biết.

Theo tìm hiểu, hiện công ty còn nợ nông dân Bến Lức và một số địa phương khác gần 90 tỉ đồng. Trong khi đường trong kho đã được công ty thế chấp vay tiền nên ba ngân hàng cũng cử bảo vệ đến canh chừng. “Toàn bộ số đường công ty đã thế chấp cho ngân hàng. Nông dân vây nhà máy đòi lấy đường nên chúng tôi phải tăng cường bảo vệ” - bảo vệ một ngân hàng nói.

Theo ông Trần Văn Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, trong ngày 12-6, huyện và tỉnh đã làm việc với tổng giám đốc công ty và vị này tiếp tục cam kết đến ngày 20-6 sẽ thanh toán cho nông dân 30 tỉ đồng. Khoảng 57 tỉ đồng còn lại sẽ trả trước 15-7. “Hy vọng công ty thực hiện đúng cam kết. Chúng tôi cũng đã vận động nông dân không xô xát hoặc làm hư hại tài sản của công ty” - ông Tươi nói.

HOÀNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm