Đường dây “chăn dắt” ăn xin ở Biên Hòa: Vợ chồng bà Ngọc “chăn dắt” ăn xin hơn 10 năm

Như chúng tôi đã thông tin, trong số những người “chăn dắt” ăn xin vừa bị Công an phường Tân Biên, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai kiểm tra có bà Nguyễn Thị Ngọc (Quảng Lợi, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa). Điều đặc biệt là nhân vật này đã từng xuất hiện trên báo chí khi chúng tôi và các đồng nghiệp vạch mặt những kẻ “chăn dắt” xin ăn tại TP.HCM vào năm 2007.

Gặp lại “người quen”

Vào tháng 8-2005, báo Tuổi Trẻ phản ánh việc chồng bà Ngọc là ông Phạm Ngọc Minh thuê nhà ở khu vực cầu Đỏ, quận Bình Thạnh để “chăn dắt” khoảng 30 người già và trẻ nhỏ xin ăn. Lúc đó bà Ngọc còn ở quê, hằng tháng bà vào TP.HCM thăm chồng và đi đổi tiền lẻ, lấy tiền chẵn để mang về quê.

Bà Ngọc bị Công an phường Tân Biên (Biên Hòa) mời về làm việc đêm 30-6 và luôn tránh né khi chúng tôi ghi hình. Ảnh: T.DŨNG

Tháng 9-2007, báo Pháp Luật TP.HCM cũng có bài điều tra, phối hợp với Công an quận 8, TP.HCM triệt phá đường dây “chăn dắt” ăn xin của vợ chồng bà Ngọc và một người cùng quê với bà đang “chăn dắt” 16 người ăn xin. Nhiều trẻ em trong đường dây này bị bạo hành sưng tím người vì không xin đủ “sở hụi” 200.000 đồng/ngày. Kinh khủng hơn, bé Tr. còn bị con của bà Ngọc bẻ ngược ngón tay thành di chứng không thể cầm nắm được. BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM sau đó đã phẫu thuật miễn phí cho Tr., đưa em vào Trung tâm Bảo trợ xã hội trẻ em của thành phố. Một thời gian sau, Tr. về quê và vẫn còn ám ảnh những ngày đi ăn xin bị hành hạ kinh hoàng.

Thế nhưng sự việc sau đó rơi vào im ắng vì mọi hành vi hành hạ trẻ ăn xin đều đổ dồn cho con gái của bà Ngọc còn đang tuổi vị thành niên. Kết quả là dù báo Pháp Luật TP.HCM có cử luật sư bảo trợ pháp lý cho bé Tr. nhưng cũng đành xếp lại vụ việc mà không ai bị xử lý gì!

Sau sự việc này, tưởng bà  Ngọc đã bỏ nghề thì bà lại xuất hiện trên báo với tư cách “chủ” của những người ăn xin.

“Chăn dắt” bằng thủ đoạn tinh vi

Trưa 2-7, chúng tôi quay trở lại khu nhà trọ ở tổ 8, khu phố 8A, TP Biên Hòa. Người dân ở đây rất bất ngờ trước thông tin vợ chồng bà Ngọc “chăn dắt” người ăn xin.

Ông B., một người dân ở gần khu nhà trọ, cho biết ông Phạm Ngọc Minh, chồng bà Ngọc thuê nhà trọ ở đây đã được hơn ba năm và ai cũng nghĩ họ hành nghề xe ôm. “Họ sống kín tiếng nên không ai để ý. Chúng tôi thường thấy người già và trẻ em vào ở chung phòng trọ với vợ chồng bà Ngọc và bà Ngọc nói với mọi người là bà con ở quê vào chơi. Hằng ngày, ông Minh và bà Ngọc chở những người này đi từ sớm và tận khuya mới chở về. Cạnh phòng trọ vợ chồng bà Ngọc là phòng trọ của con dâu bà và trong phòng trọ này cũng thường xuất hiện người già và trẻ em” - ông B. nói.

Như chúng tôi đã thông tin, trong đêm 30-6, phường Tân Biên kiểm tra phòng trọ của bà Ngọc, phát hiện ông già ăn xin tên S. đang ở trong phòng trọ. Ông S. cho biết ông đi “ăn xin thuê” cho vợ chồng bà Ngọc hơn hai tháng nay với mức “lương” 2,5 triệu đồng/tháng. Số tiền kiếm được giao hết cho vợ chồng bà Ngọc. Tiền “lương” sẽ được thanh toán một lần khi ông về quê.

Tại phòng trọ của con dâu Ngọc, phường cũng phát hiện một bà già thường ăn xin tại các cây xăng. Tuy nhiên, khi cán bộ phường hỏi thăm, bà này trả lời là đi bán tăm bông mà không cung cấp thông tin gì thêm.

Trong chiều 2-7, tại cây xăng phường Tân Phong, chúng tôi lại bắt gặp ông S. đang ăn xin tại đây. Khác với những ngày trước, hôm nay ông S. mang thêm một bịch nylon đựng một số tăm bông. Và với cái vỏ bọc này, những người ăn xin giấu thân phận “ăn xin thuê” của mình để qua mắt cơ quan chức năng, bảo vệ chủ.

ĐÔNG YÊN - TIẾN DŨNG

Công an làm việc với hai kẻ “chăn dắt”

Ngày 2-7, Công an phường Tân Biên (Biên Hòa) đã hoàn tất hồ sơ và chuyển lên Công an TP Biên Hòa đề nghị xử lý theo quy định đối với ông Chung (người có hành vi “chăn dắt” ở bài số trước). Hai nạn nhân của ông Chung đã được gửi vào Trung tâm Huấn nghệ cô nhi TP Biên Hòa. Hiện Công an phường Tân Biên đang liên hệ với địa phương nơi ông T. và bà T. cư trú để mời người nhà họ vào đưa về quê.

Đường dây “chăn dắt” ăn xin ở Biên Hòa: Vợ chồng bà Ngọc “chăn dắt” ăn xin hơn 10 năm ảnh 2
 

Bà Ngọc lúc bị công an kiểm tra nơi tổ chức “chăn dắt” tại quận 8, TP.HCM vào năm 2007. Ảnh: T.TÙNG

Riêng với bà Ngọc và ông Nguyễn Công Thành, Công an phường Tân Biên tiếp tục mời lên làm việc.

Không lẽ bó tay?

Ông Mai Xuân Sinh, nguyên Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, người đã từng vào TP.HCM để phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến đường dây chăn dắt của bà Ngọc đã bị báo Pháp Luật TP.HCM, bức xúc khi biết bà Ngọc tiếp tục hành nghề này. “Ngày trước ở Thanh Hóa ăn xin là tập tục, người ta còn thờ cả người xin ăn. Khi người ăn mày mất đi, dân làng đem chôn cất, thờ, sau đó có người làm ăn khấm khá lên nên họ nghĩ là do người ăn mày phù hộ. Và họ lại tiếp tục hành nghề đó. Bây giờ nghề này trở thành tệ nạn rồi! Có những người làm nghề chăn dắt tích lũy còn khá hơn những người làm nghề khác nên họ nghĩ ra đủ chiêu trò kiếm sống bằng lòng thương hại của người khác và họ, những người bị “chăn dắt”, bị đưa vào dây chuyền bóc lột của chủ”. Ông Sinh cho biết chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã từng triển khai rất nhiều chương trình truyền thông, giải quyết việc làm cho người dân nhưng họ cứ vào Nam hành nghề ăn xin, chăn dắt ăn xin, không cản được.

Và nói như ông Sinh, ăn xin, “chăn dắt” đã thành tệ nạn và chẳng lẽ bó tay với tê nạn này?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm