Đừng làm tổn thương các “nhà leo núi”

Nếu là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, rất có thể người ta phải tổ chức thi lại hoặc trừ đi số điểm trong câu hỏi bị sự cố để đảm bảo sự công bằng.

Trong sự cố vừa rồi, có thể thấy quyết định của ban tổ chức ít nhiều làm ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc của cuộc thi. Nhưng Đường lên đỉnh Olympialà một cuộc chơi. Cũng giống như trên sân cỏ, quyết định của trọng tài dù có sai sót thì mọi người vẫn phải tôn trọng. Sau trận đấu, người ta có thể rút kinh nghiệm trọng tài, có thể treo còi hoặc áp dụng chế tài nặng nề nào đó. Nhưng kết quả của trận đấu ấy thì người ta vẫn phải công nhận. Không ai yêu cầu phải tổ chức lại trận đấu để sửa chữa sai lầm của trọng tài, để kết quả được “thực chất” hơn.

Trong cuộc thi này, ngoài việc thi thố về tri thức, người chơi còn có thể gặp yếu tố may mắn, thể hiện trong việc chọn gói câu hỏi (dễ với người này nhưng khó với người kia) và chọn ngôi sao hy vọng. Trong bốn bạn vào chung kết, có thể nói bạn nào cũng xứng đáng giành ngôi vô địch. Cứ coi như bạn nào gặp may mắn nhiều hơn thì sẽ chiến thắng và sự cố vừa rồi của nhà đài chính là quà tặng may mắn của người này (nhưng lại không may mắn cho người kia).

Chuyện rủi ro, sai sót trong khâu tổ chức là điều không ai mong muốn nhưng khó tránh khỏi trong các cuộc thi. Vấn đề là chúng ta hành xử thế nào sau những sự cố, sai sót ấy để người chơi cảm thấy nhẹ nhàng và “vui vẻ cả làng”.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền từng nói (đại ý) cuộc chơi nào có mất mát, đổ vỡ cái gì đó thì cuộc chơi ấy mới đáng nhớ. Hy vọng cái sự cố vừa rồi cũng là kỷ niệm đáng nhớ, một cách nhẹ nhàng, trong hành trang vào đời của những nhà leo núi. Và người lớn cũng đừng nên nhân danh sự công bằng thái quá mà săm soi, mà so sánh và làm tổn thương các em.

THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm