“VTV3 phải họp bàn, tính cách sửa sai để đem lại công bằng, năng lực thực sự cho học sinh và không để khán giả đánh giá thấp chương trình. Giáo dục sai thì phải sửa”. Đây là một phần nội dung trong công văn mà bà Võ Thị Bạch Mai (Hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu ĐHQG TP.HCM) vừa gửi Đài Truyền hình Việt Nam về sự cố sai sót tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia sáng 24-6 vừa qua.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Mai cho hay trường chỉ yêu cầu ban tổ chức phải họp bàn với ban cố vấn chương trình để tìm hướng giải quyết đối với hậu quả của việc sai sót trong phần thi Tăng tốc. “Đã có nhiều cuộc thi trên truyền hình cũng như ngoài xã hội có sai sót và khi phát hiện ra, họ đã sửa để có lợi cho HS, VTV cũng nên phải như vậy. Với câu hỏi sai này, hai em Lê Phương và Thái Hoàng sẽ không được điểm hoặc cả bốn em phải được điểm mới công bằng. Đây là chương trình mang tính giáo dục nên sai thì phải sửa cho dù phải thay đổi kết quả cuộc thi” - bà Mai nêu ý kiến. Không chỉ bà Mai, dư luận xã hội thời gian qua cũng rất bất bình trước hàng loạt sai sót, nghi vấn tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia mặc dù đây là sân chơi lớn, tổ chức công phu, có kinh nghiệm nhiều năm tổ chức và tốn không ít thời gian chuẩn bị.
Phần thi Tăng tốc được cho là có sai sót. Ảnh: chụp lại từ màn hình.
Theo đó, ngay sau khi cuộc thi kết thúc cuộc thi, nhiều khán giả xem truyền hình đã đặt nghi vấn lộ đề ở vòng thi Vượt chướng ngại vật. Dư luận cho rằng mặc dù hai hàng ngang đầu tiên không ai giải được nhưng thí sinh Đặng Thái Hoàng đã bấm chuông trả lời rất nhanh từ khóa của vòng thi này là “Tiếng Việt”.
Ngoài ra, câu hỏi IQ đầu tiên ở phần thi Tăng tốc cũng có sai sót vì dữ kiện trong đề sai dẫn đến các lựa chọn đáp án cũng không phù hợp. Đáng nói, chính câu hỏi có sai sót này đã nâng 30 điểm cho Đặng Thái Hoàng, đủ để giành vòng nguyệt quế năm thứ 12.
Thêm vào đó, ở phần thi Về đích của thí sinh Nguyễn Ngọc Khánh (THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Kon Tum) có câu hỏi vật lý liên quan đến “thay đổi của cường độ dòng điện” đã không rõ ai đúng, ai sai như thế nào. Câu hỏi này Ngọc Tĩnh cũng trả lời và đã gây tranh cãi vì có giáo viên nói Tĩnh trả lời đúng nhưng cố vấn chương trình cho là sai, kết quả Tĩnh bị trừ điểm.
Phản hồi chính thức từ Đường lên đỉnh Olympia 22 giờ 30 ngày 27-6, Đài Truyền hình Việt Nam đã đăng tải toàn bộ thông tin chính thức về kết luận từ buổi làm việc của ban tổ chức cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và ban cố vấn chương trình vào chiều 27-6 trên trang web của VTV: "Chúng tôi nhìn nhận và xem xét một cách hết sức nghiêm túc, cầu thị những vấn đề dư luận đã nêu liên quan đến trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12 vừa qua cũng như trách nhiệm của chương trình với các thí sinh, cộng đồng Olympia và công chúng. Liên quan đến câu hỏi ở phần thi Tăng tốc: Ở phần thi Tăng tốc, theo luật thi của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12, có bốn câu hỏi dạng tư duy logic, câu hỏi bằng hình ảnh với độ khó giảm dần và câu hỏi thứ nhất là một câu hỏi IQ. Câu hỏi IQ tại cuộc thi chung kết: “Cần bao nhiêu mặt trời để cán cân thăng bằng” với các dữ liệu dựa trên các hình vẽ là một câu hỏi chưa thật chặt chẽ. Ở câu hỏi này, khi MC hỏi Hoàng về đáp án, em Hoàng có giải thích: “Sau một loạt quy đổi, nói chung là nhân chia phân số rất lằng nhằng thì ta thấy là nếu thêm sáu mặt trời vào đây sẽ tương đương với số lượng sao bằng với bên kia”. Theo cố vấn của chương trình, đáp án C (6) là chấp nhận được với cách tư duy: Từ cân thứ nhất suy ra 1 ngôi sao = 1,5 mặt trời Thay vào cân thứ hai suy ra 1 mặt trăng = 7/6 mặt trời Suy ra: ở cân thứ ba, đĩa trái 1 mặt trăng + 3 ngôi sao = 7/6 + 4,5 mặt trời = 5,6666 mặt trời, xấp xỉ bằng 6. Áp dụng luật làm tròn số, đáp án C chấp nhận được. Bởi một câu hỏi IQ có thể chấp nhận cách tư duy thực tế chứ không hoàn toàn lý thuyết như Toán học. Câu hỏi sẽ chặt chẽ nếu đầy đủ là “Cần khoảng bao nhiêu mặt trời để cân cân bằng?”. Đưa một câu hỏi thiếu chặt chẽ là một sơ suất đáng tiếc trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12. Chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm để không lặp lại những sơ suất tương tự. Về kết quả chung cuộc: Với đáp án ở phần thi Tăng tốc chấp nhận được của em Hoàng, kết quả chung cuộc của chung kết Đường lên đỉnh Olympia được giữ nguyên. Đường lên đỉnh Olympia là một cuộc thi trên truyền hình đã được tổ chức qua 12 năm với mục đích khuyến khích học tập và tìm kiếm các bạn học sinh xuất sắc trên toàn quốc để có cơ hội nhận học bổng du học ở nước ngoài. Tất cả các bạn học sinh yêu mến và đến với Đường lên đỉnh Olympia được ban tổ chức coi trọng như nhau và được bảo vệ bằng luật chơi và quy định riêng của chương trình. Trên thực tế, cả bốn bạn có mặt trong trận chung kết đều là những học sinh rất xuất sắc và đã rất cố gắng chơi với tinh thần đoàn kết, học hỏi lẫn nhau. Đó mới là điều quan trọng nhất làm nên ý nghĩa của một chương trình khuyến học như Đường lên đỉnh Olympia. Với tất cả những sức ép mà ban cố vấn chương trình và các thí sinh phải chịu thời gian qua về sơ suất này và với khán giả yêu mến chương trình Đường lên đỉnh Olympia, chúng tôi cảm thấy rất đáng tiếc và gửi lời xin lỗi chân thành". |
HÀ AN