Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam chia sẻ cách dạy con 'Viết văn vui vẻ'

Đây là những điều mình đã áp dụng cho Nam, với tư cách là phụ huynh chứ không phải là một giáo viên. Vì thế, nếu các mẹ có con đang học tiểu học có thể tham khảo đôi chút những trò chơi này nhé:

1. Trò chơi đoán vật: Trò chơi này vui lắm, mình và Nam chơi suốt. Người đố sẽ giấu những đồ vật vào một chỗ khuất, sau đó miêu tả về từng đồ vật. Người đoán sẽ dựa trên miêu tả đó để đoán tên đồ vật.

Thực ra đây chính là việc miêu tả dưới dạng lời nói rất thú vị. Mình lấy ví dụ, mình giấu quả na, mình sẽ nói: Quả gì vỏ màu xanh ruột màu trắng.

Đến đó mình dừng lại để Nam suy nghĩ và đưa ra đáp án.

Nếu đáp án chưa chính xác, mình lại gợi ý tiếp: Quả có các mắt.

Đến đây thì Nam đoán ra rồi. Mình sẽ đưa quả na ra. Nhưng bước quan trọng nhất là, sau khi “đáp án” đã lộ diện, mình và Nam sẽ cùng nhau miêu tả thêm. Ví dụ: Quả na có hình tròn trĩnh, y hệt như quả bóng nhỏ. Mỗi khi quả chín, các mắt na mở to như muốn nói: Bạn Nam ơi, tớ đã chín rồi này. Không chỉ mắt na báo hiệu, cả mùi thơm của na cũng cho mình biết là na đã chín ( em ngửi xem này). Ruột na màu trắng ngần, ngọt lịm. Hạt na đen nháy nên người ta còn ví: Mắt đen như hạt na. Nào bây giờ thì mẹ và em cùng “khám phá” xem những điều mình vừa miêu tả có đúng không nhé.

Đến bước này thì Nam thích nhất rồi. Kết hợp Chơi- Học- Ăn là lý tưởng nhất đối với Nam.

Nhưng đó là khi mình là người đố. Đến lượt Nam là người đố thì chật vật hơn. Mình cứ giả vờ không biết bạn ấy đố gì để Nam miêu tả nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Ban đầu Nam rất chật vật để có thể miêu tả được đồ vật mà mình có trong tay. Nhưng rồi cũng quen dần.

Trò chơi này, mình chơi cùng Nam từ khi con học lớp 1, dần dần cứ tăng độ khó bằng những đồ vật “lắt léo”.

Không chỉ dừng ở đồ vật, mỗi lần cùng Nam đi dạo, mình hay đố Nam miêu tả về một người nào đó mà cả hai mẹ con cùng biết, tất nhiên không được nói tên, và phải miêu tả bằng hình dáng rồi mới đến các đặc điểm của người đó. Trò chơi này thường đem đến những tràng cười không dứt. Ví dụ, Nam đố nhé: Một người có cái bụng hơi to, mẹ đoán đi. Ôi mẹ chịu, có nhiều người lắm. Người đó có mái tóc đen, rậm, dáng người tầm thước. Chưa “chốt” được vì có tới năm đáp án. Người đó có một cái sẹo ở chân. Hà hà, mẹ bắt đầu hình dung ra rồi. Tiếp nhé, người đó rất “ít cười”, thích ăn đồ ngọt, hay nói chuyện về các cô “chân dài”. Đến đây thì mẹ biết là người mà “ai cũng biết đó là ai” rồi. Cả hai mẹ con cười bò lăn. Đấy là những “nhân vật” dễ nhận biết thôi. Có những khi Nam nghĩ đến những người mà lâu lắm mẹ không gặp thì cuộc đố kéo dài đến cả quãng đường đi dạo.

Cứ thế, việc miêu tả bắt đầu từ những trò chơi đơn giản như vậy. Đến khi Nam làm văn, mình luôn nói: Thực ra, viết một bài văn cũng giống như con chơi trò đố mẹ vậy. Con làm cho mẹ ngạc nhiên, con làm cho mẹ bất ngờ vì những đồ vật, sự vật, con người vốn gần gũi nhưng khi con viết lại có những phát hiện rất lạ lẫm làm mẹ yêu thích bài văn của con.

2. Làm báo tường: Nghe có vẻ buồn cười nhưng ở nhà mình, hai mẹ con hay cùng nhau làm báo tường lắm. Đúng là báo tường thật vì… báo chuyên dán ở tường. Mình mua tờ giấy to rồi dán ở góc học tập của Nam. Sau đó cả hai mẹ con bắt đầu “viết báo”. Mỗi ngày lại đóng góp những bài báo của riêng mình. Chủ đề thì thích gì viết nấy. Chuyện Nam đi học bị cô giáo phê bình vì nói chuyện riêng cũng thành một phóng sự li kì, có tựa đề: Đi học có gì hấp dẫn. Chuyện cây hoa hồng trên ban công bị héo vì ít đất ăn quá. Chuyện mẹ thái rau bị đứt tay… Tất cả những mẩu con con ấy đều được viết rồi dán lên, có trang trí hoa lá cành cho có vẻ sinh động. Tờ báo tường cứ thế dày lên. Mỗi lúc rảnh rỗi, cả nhà đem ra đọc lại. Yêu ơi là yêu mà cũng vui ơi là vui!

Chính vì những bài viết con con đó khiến Nam không ngại viết và luôn thấy việc mình viết lại một hoạt động gì đó, một sự kiện gì đó là việc làm thú vị chứ không phải “vò đầu bứt tai” đau khổ mỗi khi viết bài. Điều này cũng giúp Nam viết bài văn được nhanh hơn. Cô giáo ở lớp luôn khen Nam là người viết bài nhanh nhất, ít khi để về nhà mới viết mà viết ngay tại lớp. Làm văn mà không khác gì “tốc kí”. 

3. Trò chơi tưởng tượng:

Trong các trò chơi, có một số trò Nam chơi là do mẹ dụ dỗ, lôi kéo nhưng trò này thì Nam mê nhất, luôn gạ mẹ để chơi ở bất kì thời gian nào.

“Luật chơi” thì dễ lắm: Mẹ hoặc Nam sẽ nghĩ ra một tình huống nào đó rồi bắt đầu… tưởng tượng. Tất cả những điều gì “phù phiếm” nhất có thể nghĩ được ra đều có thể huy động để tạo thành một câu chuyện. Vì biết tâm lý của con trẻ là luôn cảm thấy thích thích và sờ sợ với những chi tiết có vẻ hơi hoang đường nên mình thường ra những tình huống có vẻ kì bí một chút. 

Ví dụ thế này nhé: Có hai người đàn ông ở trong một căn nhà hoang trên đảo. Đêm hôm đó, khi một người nằm ngủ cạnh lò sưởi và người kia đang ngồi nướng bánh ở góc nhà, mùi bánh mì bốc lên thơm phức trong ánh lửa lập lòe. Bỗng nhiên có tiếng gõ cửa. Sau tiếng gõ cửa, có bốn vị khách lạ mặt xuất hiện. Nào em tưởng tượng và miêu tả về từng người khách và câu chuyện xảy ra trong đêm. Ôi chao, mỗi hôm Nam tưởng tượng ra một kiểu, li kì hết biết. Sau đó, mình cũng khuyến khích Nam viết lại. Kể thì bao giờ cũng dễ hơn viết. Nhưng mình luôn động viên để mỗi hôm Nam dành ra khoảng 20 phút để viết thành một câu chuyện dài của riêng Nam.

***

Nhiều mẹ hỏi mình là chị ơi, chị không đi làm hay sao mà có nhiều thời gian cho con thế. Mình có đi làm, mình cũng quay cuồng với hàng đống công việc không tên ở nhà và luôn ước ngày có 48 tiếng. Nhưng có lẽ, khi ở gần Nam, mình giảm thiểu tất cả những hoạt động khác, ví dụ xem ti vi, vào mạng… chỉ để dành cho Nam. Và Nam cũng biết “tiết kiệm” thời gian dành cho mẹ lắm. Ví dụ bài tập cô giao, Nam thường tranh thủ làm lúc ở trường hoặc đi học về, trong lúc chờ mẹ nấu cơm là làm luôn. Nên Nam có một buổi tối để cùng tham gia các hoạt động với mẹ.

Cá nhân mình luôn nghĩ, cho trẻ xem ti vi nhiều là không có lợi. Mình nhớ câu chuyện của Katherine Jackson, mẹ của ngôi sao huyền thoại âm nhạc Michael Jackson kể: Mọi chuyện thực sự bắt đầu khi Michael lên 4 tuổi thì ti vi của nhà bà bị hỏng. Vì nhà nghèo không có tiền mua ti vi mới nên mỗi buổi tối, bọn trẻ trong nhà nhảy múa và hát. Bà đã thuyết phục rằng chúng rất giỏi và sau khi nghe các con hát, bố của chúng cũng đồng ý như vậy. Và phần tiếp theo của câu chuyện chiếc ti vi bị hỏng là gì thì các bạn đều thấy rồi đúng không nào.

Tắt ti vi, để nói chuyện, ghi chép, miêu tả, tranh luận, hò hát… tất cả những điều đó sẽ giúp cho văn học đến gần trái tim của con hơn. Mình nghĩ là như thế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm