"Nên dạy con cách tiêu tiền từ tuổi lên 3"

Bà Neale S.Godfrey, Giám đốc điều hành Ngân hàng dành cho trẻ em đầu tiên ở Mỹ, tác giả cuốn sách “Tiền không mọc trên cây” chia sẻ với VnExpress.net về cách dạy cho trẻ hiểu về giá trị đồng tiền.

- Theo bà, độ tuổi nào nên dạy trẻ nhỏ hiểu về tiền bạc?

- Ở lứa tuổi từ 3 đến 5, cha mẹ nên bắt đầu trao đổi với trẻ các vấn đề liên quan đến tiền. Lúc này con trẻ đã biết cách đòi và muốn sở hữu những đồ vật xung quanh chúng. Dạy trẻ em có ý thức về đồng tiền từ lúc bé sẽ dễ dàng hơn lúc chúng trở thành thanh thiếu niên.

Tôi lấy ví dụ ở Mỹ, con nít thích tiền dù chúng không biết đếm, một phần do quen dùng máy vi tính có sẵn phần mềm tính toán. Có bé không học cách tính tiền nên lúc được thối lại, chúng còn quăng cả đồng xu. Do đó, trẻ em Mỹ còn được dạy thêm về cách tiết kiệm đồng tiền.

- Nhiều người cho rằng nếu bé biết về tiền bạc quá sớm sẽ dễ hư hỏng. Quan điểm của bà về vấn đề này?

- Như tôi đã nói, tiền là một phần của cuộc sống. Chúng ta kiếm tiền, kiểm soát chúng và phải ra quyết định về số tiền đó. Cha mẹ phải chỉ cho con hiểu được giá trị của đồng tiền. Ví dụ, khi đứa bé hỏi về chiếc thẻ tín dụng, phụ huynh cần phải giải thích nó không chỉ là một miếng nhựa đơn thuần mà đó là một bài học về cách chi tiêu và tiết kiệm.

- Các bậc cha mẹ nên cho trẻ biết điều gì đầu tiên khi chúng bắt đầu ý thức về đồng tiền?


- Phụ huynh nên dạy trẻ bài học về tiền tương tự những hành động hàng ngày mà bé đang làm như đánh răng hay nhìn thấy đèn đỏ giao thông là biết phải ngừng lại. Giả sử, nếu đứa trẻ thích đồ chơi, cha mẹ phải giải thích làm thế nào để bé có được món đó. Họ nên xem vấn đề tiền bạc như một yếu tố làm cho con trẻ có cảm giác thoải mái và đưa nó vào một phần của cuộc sống.

"Nên dạy con cách tiêu tiền từ tuổi lên 3" ảnh 1
Bà Neale S.Godfrey, chuyên gia tài chính “Gia đình và Trẻ em” kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng dành cho Trẻ em đầu tiên ở Mỹ
.

- Bà nhận thấy cách giáo dục về tài chính cho trẻ em Việt Nam có khác biệt gì so với các nước khác?
- Trẻ em Việt Nam có thói quen tiết kiệm, trong khi ở Mỹ, các bé thích tiêu xài. Do đó, tôi nghĩ dạy con trẻ về tài chính ở Việt Nam có thể dễ hơn tại Mỹ. Quý phụ huynh ở nước nào cũng phải dạy con cách tiết kiệm vì hiện nay những đứa trẻ tiếp cận công nghệ mới khá nhanh nên chúng luôn muốn sở hữu và thay đổi xoành xọach những chiếc điện thoại, máy tính bảng, iPhone, iPad. Tôi nghĩ bậc cha mẹ ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều phải dạy cho con của họ hiểu về tài chính. Bởi vì hiện nay trẻ em tại đây cũng như ở các nước khác đều có cơ hội du lịch và học tập ở khắp nơi nên các em cần biết cách chi tiêu hợp lý và hiệu quả.
- Bà áp dụng các quy tắc này cho các đứa con của mình như thế nào?
- Với những đứa con của mình, khi chúng muốn mua một món đồ, tôi chỉ ra cơ hội để có trò chơi đó và cho trẻ biết rằng chỉ có làm việc mới có thể sở hữu được nó. Bên cạnh đó, tôi cũng giải thích cho bọn trẻ hiểu rằng cách tiết kiệm tiền là như thế nào. Đó là một phần số tiền sẽ được dành cho từ thiện, tiêu xài cá nhân hàng ngày, một phần dành cho dài hạn nếu đậu vào đại học hay cao đẳng. Kết quả, những đứa con của tôi đã tự làm thêm trong nhiều tuần để mua được món đồ chúng yêu thích. Theo tôi, các bậc cha mẹ nên chỉ con em mình cách tiết kiệm qua từng bước như phía trên. Từ đó, những đứa trẻ sẽ dần trưởng thành dựa trên những quy tắc đó. 
- Cách dạy con tiêu tiền có khác biệt gì khi chúng lớn?
- Phụ huynh nên dạy con trẻ có thái độ đúng đắn về đồng tiền theo tiêu chí sống đúng với mục đích của mình. Họ nên dạy những đứa con hiểu điều gì cần làm và không nên làm. Và họ phải giúp con cái biết rằng đồng tiền là một phần của cuộc sống, đừng để nó chi phối và làm đau khổ cho chính bạn và cả con cái của bạn. Cụ thể, ở Mỹ để có được tấm bằng bác sĩ, có khi phải mất 43 năm mới trả hết được nợ. Trong trường hợp này, phụ huynh cần đưa ra lời khuyên cho những đứa con có thể chọn trường công lập hay trường tư để phù hợp với điều kiện tài chính hiện tại.
Theo Phương Mai (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm