Thi tuyển sinh vào lớp 10: Bỏ được không?

Kỳ thi trở thành nỗi ám ảnh của phụ huynh và học sinh khi phải vừa dốc sức ôn thi vừa căng đầu tính toán nguyện vọng...

Với góc nhìn của người trong cuộc, các nhà quản lý, lãnh đạo của ngành giáo dục đã lên tiếng lý giải về sự cần thiết và khả năng bỏ kỳ thi này.

Đủ trường lớp sẽ bỏ thi!

Thi tuyển sinh vào lớp 10: Bỏ được không? ảnh 1
Ngành giáo dục TP.HCM xây dựng động cơ học tập của học sinh là học để biết, để trưởng thành, để phục vụ chứ không phải học để đối phó với thi cử. Hiện nay một số quận, huyện của TP đã thực hiện xét tuyển. Các quận, huyện còn lại vì áp lực học sinh đông, không đủ chỗ học nên nhất thiết phải thi tuyển mới công bằng, khách quan. Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ngay sau khi kết thúc chương trình học THCS một tháng nhằm rút ngắn thời gian để các em không phải đi luyện thi, chỉ tự ôn tập ở nhà. Thi tuyển sinh lớp 10 thực ra là để sắp xếp lại chỗ học cho các em, trên cơ sở đó lựa chọn học sinh ưu tú, có năng khiếu vào các trường danh tiếng.

Để giảm áp lực thi cử, Sở đã tham mưu với lãnh đạo thành phố xây dựng trường lớp, thúc đẩy thực hiện quy hoạch trường lớp để đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân. Khi trường lớp đã đủ chỗ cho học sinh vào học thì không cần tổ chức thi nữa.

TS HUỲNH CÔNG MINH, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Cần có hệ thống trường nghề hiệu quả!

Hiện nay, học sinh học xong THCS là phải cố thi đậu vào lớp 10 công lập. Dân ta còn nghèo, con cái không đậu trường công thì lấy tiền đâu mà học trường dân lập, tư thục. Ở lứa tuổi 14-15, nếu các em thi rớt, không vào được lớp 10 mà học nghề cũng không xong thì các em dễ bị khủng hoảng tâm lý, tệ nạn xã hội rình rập. Hơn nữa, có một nghịch lý là chúng ta đang chủ trương phổ cập THPT, tức là tạo điều kiện cho rất nhiều học sinh học hết THPT, vậy mà chúng ta tổ chức thi tuyển, kỳ thi chẳng khác gì tạo ra một rào chắn.

Thi tuyển sinh vào lớp 10: Bỏ được không? ảnh 2

Thi cử luôn là nỗi ám ảnh, áp lực đối với học sinh. Ảnh: TTXVN

Thi tuyển sinh vào lớp 10: Bỏ được không? ảnh 3
Ở Pháp, hệ thống trường nghề đầu tư rất bài bản, trang bị thiết bị dạy nghề cũ, mới đều có. Học sinh được tiếp cận, học cách sử dụng và làm chủ thiết bị rất tốt, không bao giờ lo chuyện thất nghiệp. Học sinh của họ được doanh nghiệp đặt hàng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 1996, tôi có dịp đến một trường dạy nghề của Pháp. Tôi hỏi một học sinh ở đây: “Tại sao cháu không học tiếp THPT?”, cậu ta trả lời rằng: “Nếu học tiếp THPT thì trong ba năm đó bố mẹ phải lo. Bởi vậy cháu chọn học trung học chuyên nghiệp, chỉ sau ba năm cháu có một nghề trong tay, tự kiếm tiền nuôi sống mình rồi đăng ký học lên ĐH”.

Chúng ta chưa hệ thống đào tạo nghề có uy tín và chất lượng để thu hút học sinh. Tầm nhìn giáo dục của chúng ta rất dở. Chúng ta hay tuyên truyền việc cha đạp xích lô, mẹ bán vé số, làm thuê làm mướn đủ kiểu để nuôi con học tới nơi tới chốn. Nhưng dân ta còn nghèo lắm, không phải ai cũng đủ sức lo cho con đi học. Nếu chúng ta có hệ thống trường nghề chuẩn như các nước thì tôi tin chắc các học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn sẽ không học tiếp THPT mà sẽ chọn con đường học nghề. Lúc ấy, trường THPT sẽ… trống chỗ, việc thi tuyển sinh lớp 10 sẽ không còn!

Ông NGUYỄN HỮU DANH, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Học bạ có đáng tin?

Thi tuyển sinh vào lớp 10: Bỏ được không? ảnh 4
Theo quy định hiện nay, học sinh vào lớp 10 chỉ cần thi hai môn văn, toán và kèm bảng điểm trong bốn năm học cấp hai. Chính vì vậy, phần lớn học sinh chỉ tập trung ôn hai môn văn, toán và bỏ bê các môn khác. Khi nhận học sinh vào trường, tôi thấy các em học các môn khác rất đại khái, kiến thức thì hổng nhiều, nhất là môn khối tự nhiên lý, hóa. Nếu bỏ kỳ thi này ngay thì thật sự nguy hiểm. Đặc biệt, với căn bệnh thành tích tràn lan như hiện nay thì ai dám chắc chỉ cần điểm học bạ cũng đảm bảo đánh giá chính xác chất lượng học sinh.

Để giảm áp lực thi cử thì ngành giáo dục phải khắc phục hình thức đào tạo kiểu “đầu voi, đuôi chuột” và đào tạo cho học sinh theo kiểu “nước rút”, tất cả dồn vào những năm cuối cấp. Tôi đề nghị nếu không thi vào lớp 10 thì bắt buộc phải thay thế bằng hình thức tuyển chọn nào đó để đánh giá chất lượng của học sinh trong cả quá trình học tập. Đồng thời phải thống nhất việc xét tuyển học bạ và thi vào lớp 10 tại nhiều vùng, địa phương. Chứ kiểu nơi có xét, nơi không; miền Bắc thi hai môn, miền Nam thi ba môn như hiện nay thì sẽ khó đảm bảo chất lượng một cách đồng đều.

GS VĂN NHƯ CƯƠNG, Hiệu trưởng Trường dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội

Căng thẳng và mệt mỏi

Chị Huyền Nga, phóng viên một tờ báo thường trú tại TP.HCM, đang có con dự thi vào lớp 10 chia sẻ: “Thấy con trai ôn tập mệt mỏi trong vòng một tháng mà sốt ruột! Cháu học đêm học ngày, lại cứ mang tâm lý nơm nớp sợ thi rớt. Tôi phải tìm mọi cách để cân bằng tâm lý, sức khỏe cho cháu. Cũng may, giờ thì áp lực căng thẳng và vẻ mệt mỏi của cháu đã giãn ra khi cả ba môn cháu đều làm bài rất tốt”... Không chỉ chị Huyền Nga lo lắng mà hàng chục ngàn phụ huynh có con dự thi trong kỳ thi này cũng có cùng tâm trạng trên.

Hiện nay, các TP lớn luôn bị sức ép tăng dân số, trường lớp xây mới nhiều nhưng vẫn thiếu chỗ học. Bởi vậy học sinh muốn vào học hệ công lập (học phí thấp, có uy tín) không còn cách nào khác là phải tham gia thi tuyển. Với tỉ lệ đậu vào lớp 10 công lập ở TP.HCM khoảng 85%, Cần Thơ 75%-80%, Hà Nội khoảng 70%... nên học sinh nào cũng dốc hết sức để vượt qua kỳ thi. Chưa hết, phụ huynh cũng khổ sở không kém khi phải cùng con mình chiến đấu với bài toán lựa chọn nguyện vọng. Và thực tế, nhiều năm qua, không ít học sinh giỏi không vào được lớp 10 công lập vì tính toán sai nguyện vọng.

Liệu có nên duy trì một kỳ thi mà chỉ có một ý nghĩa duy nhất là để sắp xếp chỗ học?

QUỐC VIỆT - TỐ NHƯ

Ngày 17-7, các trường ở TP.HCM công bố điểm chuẩn

Chiều 22-6, tại TP.HCM, thí sinh dự thi vào lớp 10 thường và lớp 10 chuyên đã hoàn tất các môn thi. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: Kỳ thi kết thúc an toàn, nghiêm túc, không có thí sinh, giám thị vi phạm quy chế. Tổng cộng có 517 thí sinh bỏ thi không lý do.

Theo ông Sơn, dự kiến ngày 17-7, các trường sẽ công bố điểm chuẩn. Ngày 22-7, thí sinh nộp đơn xin phúc khảo nếu có khiếu nại về điểm thi. Điều kiện phúc khảo là thí sinh có điểm thi thấp hơn điểm trung bình của môn đó ở năm học lớp 9 là 1 điểm.

Cùng ngày, hơn 13.000 học sinh Đà Nẵng cũng kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Mục tiêu chọn trường của những thí sinh khá, giỏi năm nay vẫn là hai trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và THPT Phan Châu Trinh. Theo đó, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sẽ tiếp tục tổ chức thi tuyển vào trường trong ba ngày 24, 25 và 26-6.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP Hà Nội, cho biết kết thúc hai môn thi văn, toán, có hơn 800 học sinh vắng mặt không rõ lý do. Theo đánh giá nhanh của các giám thị, không có vụ vi phạm quy chế nào xảy ra. Hôm nay (23-6), khoảng 9.000 thí sinh thi môn chuyên sẽ thi thêm môn ngoại ngữ và ngày 24-6, thi môn chuyên.

QV - LP – TN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm