Đợt 1 của kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức vừa kết thúc. Theo thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM, có 53.341 thí sinh đăng ký dự thi tại bốn cụm gồm TP.HCM, Bến Tre, An Giang và Nha Trang (Khánh Hòa). Tuy nhiên, chỉ có 23.768 thí sinh dự thi, đạt 44,56%, tức có gần 30.000 em bỏ thi. Trong đó, nhiều nhất là tại cụm thi An Giang và Bến Tre.
Không để thí sinh điểm cao mất quyền lợi
Lý giải về vấn đề này, theo TS Nguyễn Quốc Chính (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM), lượng thí sinh vắng này đã nằm trong dự đoán của hội đồng tổ chức thi.
Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến các em bị ảnh hưởng tâm lý, lo ngại về giãn cách xã hội. Hơn nữa, kỳ thi diễn ra sau khi Bộ GD&ĐT đã công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT nên nhiều em đã biết và tự tin với kết quả thi. Hơn nữa, đến thời điểm này, nhiều trường ĐH, CĐ đã cơ bản hoàn tất xét tuyển bằng các phương thức như xét học bạ, tuyển thẳng… nên các em đã biết kết quả khả năng vào ĐH.
Trước tình hình này, các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả này làm căn cứ xét tuyển cũng đã có những tính toán cho kế hoạch tuyển sinh của mình.
ThS Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - truyền thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết dù số thí sinh dự thi ít nhưng chỉ tiêu của trường sẽ vẫn giữ 40% cho phương thức này, tức gần 1.400 chỉ tiêu. Trường sẽ vẫn đặt ra mức điểm sàn, có thể vẫn tương tự năm 2019, tức 600 điểm, để đảm bảo chất lượng đầu vào. Khi có kết quả thi, trường sẽ xét điểm từ trên xuống dưới cho đến đủ chỉ tiêu nhưng phải cao hơn điểm đảm bảo chất lượng đầu vào.
Theo ông Quán, sau khi xác nhận nhập học bằng phương thức dựa vào kết quả kỳ thi ĐGNL, nhà trường sẽ điều chỉnh đề án tuyển sinh trước khi các em thay đổi nguyện vọng của phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, ông Quán cũng lưu ý các trường ĐH năm nay được tự chủ tuyển sinh. Các trường có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ, xét điểm bằng kỳ thi riêng... và cuối cùng xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, một học sinh bình thường có ít nhất từ hai đến ba cơ hội xét tuyển vào ĐH. Một em giỏi có thể nộp hồ sơ vào nhiều trường khác nhau và cũng có thể trúng tuyển theo nhiều phương thức khác nhau.
Cả nước có gần 2,5 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, trong đó nguyện vọng 1 là 640.637, trong khi chỉ tiêu có hơn 400.000. Do đó, thí sinh phải biết sức mình nằm ở đâu, nên chọn trường nào, ngành nào cho phù hợp và phải chọn xác nhận nhập học đúng thời gian quy định của từng trường cho từng phương thức.
Tương tự, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho biết trường sẽ không hạ chỉ tiêu và vẫn giữ mức tuyển 30%-70% chỉ tiêu cho phương thức này để đảm bảo quyền lợi cho các em dự thi. Nếu các em đăng ký xét tuyển nhiều và điểm cao, trường sẽ tuyển đến mức cao nhất là 70%. Ngược lại, trường chỉ tuyển 30% nhưng không thấp hơn điểm sàn, còn lại sẽ xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại điểm thi Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: PHẠM ANH
Rục rịch hạ chỉ tiêu, giảm điểm sàn
ThS Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết dù thí sinh dự thi ít hơn nhiều so với số đăng ký nhưng hiện trường chưa có kế hoạch giảm chỉ tiêu.
Hơn nữa, theo ThS An, trong đề án tuyển sinh trường nói rõ là dành tối đa 40% chỉ tiêu của trường cho phương thức ĐGNL, tức khoảng 800 chỉ tiêu. Như vậy, trường sẽ linh động tùy theo kết quả thi của các em. Nếu thí sinh dự thi ít nhưng kết quả cao, trường vẫn tuyển như kế hoạch được. Ngược lại, nếu điểm thấp, có thể trường sẽ giảm chỉ tiêu và chuyển sang phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết năm nay trường tuyển 350 chỉ tiêu cho phương thức ĐGNL. Ban đầu, trường xác định điểm nhận hồ sơ từ 700 điểm (thang điểm 1.200). Tuy nhiên, do số thí sinh dự thi thấp nên trường vừa quyết định không giảm chỉ tiêu nhưng sẽ giảm điểm đầu vào xuống 650.
“Trường cũng lo mức điểm này trường tuyển sẽ không đủ nhưng cũng không thể giảm thấp quá làm ảnh hưởng chất lượng đầu vào. Nếu tuyển không đủ, trường sẽ chuyển qua xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT” - ThS Sơn nói.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng đang xem xét có thể sẽ điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét thí sinh theo phương thức này còn khoảng 10% tổng chỉ tiêu (thay vì tối đa 20% như ban đầu). Số chỉ tiêu còn lại trường sẽ chuyển sang xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đã điều chỉnh giảm nhẹ chỉ tiêu xét tuyển ở phương thức xuống còn tối đa 40%, thay vì 50% như ban đầu.
Công bố kết quả trước ngày 10-9 Theo kế hoạch của ĐH Quốc gia TP.HCM, kết quả kỳ thi ĐGNL đợt 1 sẽ được công bố trước ngày 7-9. Thời gian xét tuyển, công bố kết quả trước ngày 10-9. Thời gian xác nhận nhập học tùy theo thông báo của đơn vị tuyển sinh. Được biết, có hơn 60 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả này để xét tuyển năm nay. Riêng đợt 2 dự kiến được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 khoảng một tuần, tại cụm thi Đà Nẵng và TP.HCM, với hơn 6.000 thí sinh. |