Trường học xoay xở giãn cách lớp học

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM vừa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch đối với cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Trong đó, riêng tiêu chí mật độ học sinh trong phòng học từ 2 m2 trở lên, nhiều trường khó có thể thực hiện.

Chia đôi lớp, học trực tuyến, tuần học ba buổi

“Trường tôi không thể đạt được yêu cầu trên vì mọi thứ từ diện tích phòng học, sĩ số đều đã cố định. Bây giờ, nếu muốn đảm bảo được khoảng cách thì phải chia lớp nhưng lấy đâu ra phòng, nhân sự cũng không đủ đáp ứng. Còn việc đóng vách ngăn cũng khó khả thi vì kinh phí thực hiện lấy đâu ra” - ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh, quận 3, đặt vấn đề.

Theo ông Hùng, hiện nay trường có 492 học sinh, phân bổ khép kín 15 lớp, không có phòng nào dư thừa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trường không đạt tiêu chí phải có phòng cách ly.

“Đây là những tiêu chí đưa ra để đảm bảo việc phòng, chống dịch COVID-19 ở trường học đạt được hiệu quả. Tiêu chí về mật độ, phòng cách ly, đeo khẩu trang trường không đạt yêu cầu nhưng những tiêu chí còn lại trường vẫn đáp ứng. Do đó, trường tự đánh giá đạt chỉ số an toàn 70%, vẫn nằm trong mức để hoạt động, chỉ có điều cần tăng cường thường xuyên kiểm tra. Nói chung, thang điểm đánh giá như vậy phù hợp từ trường có điều kiện đến trường không có điều kiện tối thiểu để đảm bảo phòng, chống dịch khi học sinh đi học trở lại” - vị này nhấn mạnh.

Tương tự, Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình cũng gặp khó ở tiêu chí mật độ học sinh trong lớp học. Tuy nhiên, nhà trường đã lên phương án để có thể thực hiện đúng quy định giãn cách lớp học.

Học sinh Trường Tiểu học Mê Linh, quận 3 trong một tiết đọc sách. Ảnh: NTCC

Theo đó, học sinh sẽ không học hết các tiết theo phân phối chương trình. Một số tiết sẽ học tại trường, một số tiết học trực tuyến. Trường sẽ chia đôi lớp, buổi sáng khối 12, chiều các thứ Hai, Tư, Sáu khối lớp 10, còn chiều các thứ Ba, Năm, Bảy học sinh lớp 11.

Tại Trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận, ông Trần Công Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cũng cho biết: “Trường tôi sĩ số lớp học là 45 em. Nếu đảm bảo khoảng cách đúng quy định là phải chia lớp ra làm đôi. Như vậy, lực lượng giáo viên tham gia giảng dạy cũng là một vấn đề, còn nếu phân làm hai lớp sáng, chiều thì giáo viên phải dạy nhiều tiết liên tục cũng rất căng thẳng”.

Sáng nay, Trường THCS Bình Tây, quận 6 đã hoàn thành xong việc chấm điểm theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong trường học. Bà Phạm Thị Phương Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay tất cả tiêu chí nhà trường đều đáp ứng. Riêng tiêu chí mật độ học sinh, trường lên phương án chia mỗi lớp thành hai phòng. Với hơn 1.800 học sinh, như vậy một buổi sẽ học một khối. Một tuần sẽ chỉ học ba buổi.

Đánh giá nghiêm túc, khách quan

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Sở yêu cầu việc tổ chức, đánh giá phải nghiêm túc, khách quan. Tất cả cơ sở giáo dục phải hoàn thành việc tự đánh giá, được ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương thẩm tra, xác nhận đủ điều kiện an toàn trước khi tổ chức hoạt động.

Tại văn bản, sở cũng hướng dẫn cách thực hiện các tiêu chí thành phần.

Đối với tiêu chí thành phần 1 (TP1) là số lượng học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên tập trung tối đa trong một thời điểm. Cơ sở đánh giá là thời điểm nhà trường tập trung số lượng học sinh, giáo viên đông nhất trong một buổi học. Nếu trường có số lượng học sinh đông, cần thực hiện các giải pháp lệch ca, lệch giờ, giảm số lớp học trong một buổi.

Tiêu chí mật độ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên tập trung trong phòng học, phòng làm việc. Cách tính = tỉ lệ diện tích phòng/tổng số học sinh trong phòng. Có thể tách lớp để thực hiện giảm, giãn số học sinh trong phòng học; bố trí vị trí ngồi học tất cả học sinh hướng về phía bảng, bục giảng, không quay mặt vào nhau, tạm thời không tổ chức học và thảo luận theo nhóm.

Tiêu chí khoảng cách học sinh, giáo viên, cán bộ ngoài phòng học (cổng trường, bãi xe, căn tin, sân trường)… để thực hiện cần bố trí lực lượng giáo viên, nhân viên trực ở các khu vực để quản lý, nhắc nhở học sinh, đảm bảo giãn cách tối thiểu 1 m, không tập trung đông người; học sinh hạn chế tối đa việc di chuyển vào đầu giờ học, giờ đang học, giờ chơi và giờ tan học.

Các địa phương thực hiện giãn cách lớp học

Sáng 27-4, học sinh lớp 9 và THPT tại tỉnh Ninh Thuận đã đi học trở lại. Các trường đã tổ chức chia lớp để đảm bảo mỗi lớp khoảng 20 HS. Tuy nhiên, một tuần nữa các khối lớp còn lại trở lại trường, khả năng không thể thực hiện giãn cách lớp học bởi hai lý do.

Thứ nhất, không đủ phòng học để tổ chức lớp học giãn cách. Thứ hai, không đủ giáo viên để đứng lớp và nếu đứng lớp gấp đôi số tiết thì giáo viên không đủ sức. Đồng thời, không có kinh phí để trả thời gian dạy vượt giờ.

Các trường hiện nay đang triển khai phương án: Vẫn giữ nguyên sĩ số lớp. Kê thêm bàn ghế, giãn cách các bàn đến mức có thể. Chia khu vực giải lao giữa giờ, hạn chế học sinh nô đùa.

Tại TP Đà Nẵng, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 tại Đà Nẵng sẽ đi học lại từ ngày 4-5, riêng bậc mầm non từ ngày 11-5. Sở yêu cầu các trường hoàn thành việc tổng vệ sinh trường, lớp trước ngày học sinh đến trường. Nhắc nhở học sinh không tụ tập đông trong lúc chuyển tiết, ra chơi. Bất kỳ ai có biểu hiện sốt, ho, khó thở đều phải thông tin ngay cho nhà trường, đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Đặc biệt, khi học sinh đến trường, sở khuyến cáo phụ huynh, người không có nhiệm vụ không vào trong trường.

THANH SƠN - TÂM AN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm