Vụ 231 cái tát: Sự vô cảm đáng sợ từ bệnh thành tích

Sau khi sự việc bị phanh phui, cô Nguyễn Thị Phương Thủy, người chỉ đạo gây ra 231 cái tát kia (chưa kể cả 670 cái tát dành cho 10 học sinh (HS) khác trước đó), bao biện rằng tất cả chỉ vì cô lo lắng cho xếp hạng thi đua của lớp cô chủ nhiệm. Còn bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng nhà trường, thì xin báo chí đừng lên tiếng vụ việc vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn quốc gia mức độ II.

Trong luồng công luận phẫn nộ vì hành động sai trái của cô giáo, báoPháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của một số cá nhân gắn bó với ngành giáo dục.

Ông NGUYỄN VĂN NGAI, nguyên  Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM:

Vị hiệu trưởng kia nên kiên quyết từ chối danh hiệu

Ông NGUYỄN VĂN NGAI

Việc hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh khi biết rõ sự việc cô giáo bắt học trò tát bạn nhưng vẫn cố tình lấp liếm, bao che với mục đích bảo vệ thành tích của trường là thái độ và hành động rất sai trái. Đáng lẽ trong trường hợp này, với vai trò là một nhà quản lý, vị hiệu trưởng kia phải đứng ra nhận lỗi và kiên quyết từ chối nhận danh hiệu vì nhà trường không xứng đáng. Chính những người như vị hiệu trưởng kia sẽ kìm hãm sự phát triển của nền giáo dục.

Bệnh chạy theo thành tích là căn bệnh trầm kha, ăn sâu vào ngành giáo dục nước ta. Muốn giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự thay đổi về mặt nhận thức, phải kiên trì khắc phục với sự nỗ lực của toàn ngành chứ không thể làm đơn lẻ với từng giáo viên, từng trường.

Ông PHẠM PHÚC THỊNH, ThS giáo dục:

Bệnh “thành tích mì ăn liền” sinh ra vị hiệu trưởng vô cảm

Ông PHẠM PHÚC THỊNH

Suy cho cùng cô giáo Thủy kia cũng chính là nạn nhân của “bệnh thành tích mì ăn liền”. Vì muốn “thành tích mì ăn liền” đó, người ta bất chấp tất cả cách thức để thúc đẩy quá trình diễn ra nhanh hơn, chứ không thể chấp nhận phải từ từ uốn nắn HS.

Còn vị hiệu trưởng của Trường THCS Duy Ninh kia, bà đã mắc căn bệnh vô cảm khi năn nỉ báo chí đừng đưa sự việc lên công luận vì trường chuẩn bị được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Là hiệu trưởng một trường học nhưng tâm trí của bà ấy không phải dành cho HS, lo cho những buồn vui, những nỗi đau thể xác, tâm hồn của HS mà chỉ quan tâm đến thành tích của nhà trường. Câu hỏi tôi đặt ra đau đáu rằng sự giáo dục nào, trường lớp nào đã đào tạo ra một cô hiệu trưởng như thế?

Muốn giải quyết bệnh “thành tích mì ăn liền” và bệnh vô cảm trong môi trường giáo dục, thiết nghĩ hãy cho phép nhà trường được trở về với giá trị thực của nó. Nên chăng Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng trong việc tuyển giáo viên, trong việc điều hành ở trường, đặc biệt hơn nữa cho hiệu trưởng được quyền chủ động về tài chính căn cứ trên việc tuyển HS. Hiệu trưởng các trường khi đó sẽ cạnh tranh về chất lượng, về dịch vụ. Khi đó, các trường sẽ trở về chất lượng thật, thành tích thật.

Trường THCS Duy Ninh, nơi xảy ra sự việc cô giáo phạt HS bằng 231 cái tát. Ảnh: MINH QUÊ

PHẠM THỊ THÚY,TS xã hội học-ThS tâm lý:

Đổ lỗi bệnh thành tích vì họ thiếu đạo đức sư phạm

 PHẠM THỊ THÚY

Nhiều thầy, cô giáo chú tâm đến thành tích và cho mình quyền hành xử bạo lực như thế với HS. Đó là một vấn đề vô cùng nặng nề trong ngành giáo dục. Nếu đổ tội bạo hành HS cho bệnh thành tích, như cô giáo Thủy trong sự việc vừa qua thì đó chỉ là sự ngụy biện. Nó là một cách phủ nhận trách nhiệm cá nhân. Vấn đề là đạo đức sư phạm họ không có nên họ mới có thể đánh một đứa trẻ nhỏ bé không có khả năng phòng vệ, đó là điều không chấp nhận được.

Một số người còn đổ lỗi là tại em HS đó hư, tại cha mẹ không biết dạy con nên cô giáo bực quá phải trừng phạt. Đó cũng là một nguyên nhân gây ức chế cho giáo viên. Nhưng là giáo viên, các thầy cô cần nhớ là không được quyền xúc phạm thân thể, nhân phẩm của một đứa trẻ vì bất cứ lý do gì. Đừng đổ lỗi cho bất cứ điều gì ngoài đạo đức sư phạm của chính mình.

NGUYỄN MAI LOAN, giáo viên Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (quận 6, TP.HCM):

Bộ GD&ĐT hãy bỏ đi vài “chuẩn” lỗi thời!

 NGUYỄN MAI LOAN

Thời đại 4.0 mà Chính phủ kêu gọi hướng đến đang mở ra cho tất cả ngành nghề cơ hội lớn lao để gia nhập toàn cầu hóa nhưng chính giáo dục, ngành lẽ ra phải tiên phong, đầu tàu thì lại đang có sức ỳ khiến cả đoàn tàu ỳ ạch.

Vì sao thay vì dạy con em chúng ta cách tiếp cận, thích nghi với cuộc sống muôn màu, với công nghệ hiện đại, với các giá trị cộng đồng cốt lõi, ta lại gò ép con em mình học vẹt, học tủ, theo đáp án mẫu từ đề thi chung của phòng GD&ĐT và nhất là phải đáp ứng các tiêu chí hạnh kiểm quá khắt khe vốn đã có từ 50 năm trước?

Thử hỏi nếu Bộ GD&ĐT chỉ cần bỏ đi tỉ lệ thi đua, bỏ đi vài “chuẩn” như “trường chuẩn” thì có phải là dần dần cởi trói cho các trường, cho giáo viên và nhất là cho HS không?

“Tiêu chuẩn xét thành tích giáo viên hiện nay không ổn”

Vụ 231 cái tát: Sự vô cảm đáng sợ từ bệnh thành tích ảnh 6
PGS-TS TRẦN XUÂN NHĨ

Từ lâu đến nay chúng ta đã cương quyết chống bệnh thành tích nhưng chống bệnh thành tích phải đi từ việc xét thành tích. Xét thành tích một cá nhân, tập thể phải rõ ràng, có tiêu chuẩn thực chứ không phải mang tính hình thức dẫn tới những kết quả, sự việc đau lòng.

Tôi cho rằng không nên giao thành tích xa rời với thực tế của từng đơn vị. Xét thi đua là phải căn cứ vào đặc điểm, tình hình của mỗi đơn vị, mỗi cá nhân để thấy được sự cố gắng, đóng góp. Việc lập lại kỷ cương, nền nếp trong đánh giá, xếp loại và thi đua trong ngành giáo dục cần hướng tới chất lượng thật của cả thầy và trò.

Muốn xem xét thành tích phải khảo sát chặt chẽ, từng hành động, qua một quá trình chứ như cứ kiểu đánh giá chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng lâu nay cũng phần nhiều là xuất sắc hoặc khá và gần như không thấy có giáo viên xếp loại trung bình thì tôi thấy không ổn chút nào.

PGS-TS TRẦN XUÂN NHĨnguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm