Khi trẻ gặp nguy hiểm, hãy gọi 111!

111 là số gọi khẩn đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, tiếp nhận mọi thông tin về trẻ em đang cần được giúp đỡ.

Chị Lê Thị Thảo, tốt nghiệp Khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm Hà Nội, nhân viên tư vấn của tổng đài, đã làm việc ở đây hơn 10 năm cho biết: “Có những cuộc điện thoại mà nội dung buồn quá, khiến tôi mãi không dứt ra được…”.

Tình hình trẻ bị xâm hại đáng báo động

Một trong các cuộc gọi đó đến từ dì của bé A (sống tại Đà Nẵng). Cô bé tìm đến dì để kể về việc bị chính cha ruột xâm hại. Trước đó, khi lần đầu suýt bị lạm dụng, em đã kể với mẹ kế mong được giúp đỡ nhưng bà không có hành động nào. Trong một lần mẹ kế vắng nhà, bi kịch đã xảy ra.

Ngay sau đó, dì đã đưa em đến công an tố cáo, cha em bị công an bắt. Họ hàng bên nội đã đổ lỗi cho em bé rằng tại em mà cha sẽ bị đi tù khiến em càng khủng hoảng hơn nữa.

Chị Thảo đã giới thiệu, kết nối cho cô bé đến một trung tâm trị liệu tâm lý. Cô bé sau đó đã chuyển đến ở chung với dì. Chị Thảo nói: “Tôi đã gọi điện thoại, cập nhật tình hình thường xuyên, có sự trao đổi với người có chức năng giúp đỡ em trong một thời gian. Những câu chuyện buồn thế này khiến tôi bị ám ảnh”.

Một cuộc gọi khác, đến từ một cô bé nữ sinh. Cô bé kể với chị Thảo: “Bạn thân của con tên là B bị chú ruột xâm hại, không phải một lần mà rất nhiều lần. Cha của bạn bị bệnh tim nên bạn không dám nói với cha. Bạn đã nói với mẹ nhưng mẹ không tin bạn ấy. Bạn của con rất buồn và hoảng sợ. Bạn ấy định tự tử, cô ạ!”.

Câu chuyện dường như quá sức chịu đựng của một cô gái nhỏ nhưng cô nữ sinh ấy dặn bạn phải tuyệt đối giữ bí mật nhân thân, địa chỉ. Chị Thảo đã gọi điện thoại lại cho cô nữ sinh ấy nhiều lần để hỏi thăm, động viên, tư vấn trong một thời gian dài, dù cả hai cô gái nhỏ vẫn giữ bí mật địa chỉ của mình.

Chị Thảo cho biết: “Những câu chuyện này khiến tôi rất buồn, tôi phải san sẻ với chồng mình để nhẹ nhõm hơn. Vợ chồng tôi cũng để mắt đến các con của mình nhiều hơn, vì sợ những sơ sẩy có thể xảy ra”.

Chị Phạm Việt Hồng đang tư vấn cho một người cần giúp đỡ trong ca trực ngày 21-8. Ảnh: H.MINH

Theo dõi và tiếp cận đến cùng

Chị Phạm Việt Hồng, nhân viên tư vấn của tổng đài, có giọng nói Hà Nội rất nhỏ nhẹ, dễ thương đã thuyết phục được một nạn nhân tên C. đồng ý gặp mình và trải lòng về những tổn thương tâm lý em đã trải qua. Khi em bị bạo hành, người gọi điện thoại đến tổng đài là bạn thân của C. Câu chuyện như sau: Cha mẹ C. mua nhà cho hai chị em sống chung, sau đó chị gái kết hôn nên nhà có thêm anh rể ở chung. C. đang là học sinh phổ thông, cá tính khá mạnh mẽ nên nhiều lần xích mích với anh rể. Một lần C. đã bị anh rể đánh. Em đã tố cáo anh rể trên Facebook khiến cho nhiều người biết chuyện và bàn tán. Đối mặt với dư luận, em bị rơi vào khủng hoảng.

Chị Hồng đã làm hồ sơ về ca này, cố gắng liên hệ trực tiếp với nạn nhân. Sau đó chị đã gặp cô bé và nhận được sự tin tưởng của em, giúp đỡ em được trị liệu tâm lý. Cũng như nhiều ca về bạo hành hoặc xâm hại trước đó dù được nhân viên tư vấn cam kết bảo mật 100% nhưng nhiều người vẫn giấu thông tin hoặc nhờ người khác “hỏi giùm”. Bằng sự kiên trì của mình, chị Hồng đã gặp được nhiều nạn nhân, kết nối họ với các địa chỉ có chức năng hỗ trợ cho trẻ em.

- Sáu tháng đầu năm 2019, các cuộc gọi tư vấn về xâm hại và bạo lực chiếm tỉ lệ cao nhất, gần một nửa số các cuộc gọi đến.

- Người dân bức xúc vì tình trạng trẻ em ăn xin không được giải quyết dứt điểm.

Theo báo cáo sáu tháng đầu năm của tổng đài 111 

“Có những lúc chúng tôi không giúp được”

Chị Phạm Việt Hồng cho biết có những ngày điện thoại gọi đến liên tục, điện thoại vừa đặt xuống đã reo. Chị nói: “Có nhiều cuộc gọi điện thoại đến cầu cứu rằng có trẻ nào đó đang bị bạo hành ở đâu đó, chúng tôi chẳng thể bay tới mà can thiệp được, chúng tôi gọi điện thoại cho công an phường thì anh công an phụ trách đi ra ngoài rồi. Dù sau này bé đã được can thiệp nhưng tôi vẫn thấy buồn vì khi em bé bị đánh đập, bạo hành, không có ai ở đó”.

Chị Lê Thị Thảo cũng có cảm xúc bất lực tương tự khi những trẻ em bị xâm hại sau một thời gian chống chọi với các sang chấn tâm lý mới gọi điện thoại để được nói ra những nỗi đau của mình. Chị nói: “Các em đã phải chịu đựng thời gian quá lâu. Thường thì nạn nhân bị xâm hại không ai lập tức gọi điện thoại ngay cho chúng tôi cả”. Dù chị đã kiên trì gọi điện thoại trở lại nhiều lần nhưng nạn nhân vẫn không cung cấp thông tin thật để được giúp đỡ đúng mức.

Nỗi trăn trở rất lớn hiện nay của các chị trực tổng đài 111 là nhận tin báo về việc có trẻ em bị ép đi bán vé số hoặc ăn xin. Người dân TP.HCM gọi phản ánh vấn nạn này nhiều nhất. Tuy nhiên, việc xác minh hay can thiệp giúp các em là rất khó khăn. Tại sao ngành chức năng gặp nhiều khó khăn khi giải quyết vấn nạn trẻ em ăn xin, chúng tôi sẽ đề cập trong số báo sau.

Tuy vậy, vượt qua những áp lực tâm lý, chị Lê Thị Thảo chia sẻ: “Vì yêu quý trẻ em nên công việc này rất có ý nghĩa đối với tôi. Chúng tôi luôn cố gắng để hoàn thành công việc tốt hơn, giúp đỡ các em hiệu quả hơn”.

Các tư vấn viên đều chuyên nghiệp và yêu trẻ

Tổng đài 111 có 30 nhân viên tư vấn. Chúng tôi đã thử nhiều lần gọi điện thoại đến để xem đường dây có bị bận thường xuyên không thì thấy rằng vẫn trong khả năng đáp ứng. Các bạn nhân viên tư vấn đều tốt nghiệp tâm lý học, luật hoặc công tác xã hội, rất yêu quý trẻ em. Các bạn được các chuyên gia đào tạo nâng cao thường xuyên. Tôi thường xuyên rút hồ sơ hoặc cuộc gọi ngẫu nhiên ra nghe lại để đánh giá chất lượng.

Ông NGUYỄN CÔNG HIỆU, Phó Giám đốc Trung tâm
Tư vấn và dịch vụ truyền thông tổng đài 111
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm