Nhiều người nhắc đến lịch sử 60 năm của loa phường chẳng biết căn cứ vào đâu. Những người sống ở Hà nội trên 60 năm, cụ thể là ở khu phố Hoàn Kiếm thì đều biết rằng ngày hòa bình lập lại, TP chỉ có hệ thống loa truyền thanh công cộng mắc xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm từ thời Pháp thuộc. Hệ thống loa như chiếc nón úp này có công suất mạnh và tạo âm thanh khá chất lượng. Cho đến tận ngày giải phóng Sài Gòn, dân Hà Nội vẫn xúm xít dưới những chiếc loa ấy nghe tin thắng trận từng ngày của Đài Truyền thanh Hà Nội. Đôi khi là tiếp sóng từ Đài Tiếng nói Việt Nam.
Thời chiến tranh, chiếc loa là công cụ đắc lực để thông báo tình hình máy bay địch oanh tạc và nhắc nhở bà con xuống hầm trú ẩn. Các gia đình Hà Nội phần lớn có loa truyền thanh mắc miễn phí nhưng thói quen nghe loa công cộng vẫn rất phổ biến. Nó gần như là một thú chơi rất hấp dẫn của những người mê tường thuật bóng đá. Lúc ấy vẫn chưa có khái niệm về chiếc loa phường như bây giờ, chuyên mở vào những giờ ngủ nghỉ của dân phố.
Trước khi có loa phường, Hà Nội vẫn có những đội viên dân phòng phụ trách việc gọi loa đốc thúc người dân những công việc chung của khối phố. Đó là chiếc loa gò bằng tôn, mua trên Hàng Thiếc. Người gọi loa đi rong nói trực tiếp vào đấy như anh mõ làng xưa. Khoảng đầu những năm 1970 mới có thêm chiếc loa pin để rao cho đỡ mất sức. Hình thức thông tin này còn duy trì cho đến đầu thập niên 1980 mới chấm dứt. Khi đó những nội dung thông tin chỉ được đọc lên vào lúc có việc cần thiết mà không phải thường xuyên như loa phường. Cho đến lúc phổ cập được loa phường toàn TP (khoảng sau năm 1975) thì việc gọi loa cầm tay mới chấm dứt.
Không thể phủ nhận tác dụng tích cực của chiếc loa phường những năm sau giải phóng. Nó liên quan trực tiếp đến dân phố trong việc phổ biến chủ trương, chính sách và sinh hoạt hằng ngày. Các bà nội trợ là thính giả thường xuyên. Thời bao cấp, nếu vài ngày vắng tiếng loa phường có thể bị các bà, các cô khiếu nại bởi không biết ô phiếu số mấy mậu dịch bán thứ gì. Điện thoại không có để mà hỏi nhau có khi làm lỡ hạn tem phiếu, mất tiêu chuẩn cả nhà.
Thế nhưng đến khi xóa bỏ bao cấp, chiếc loa phường trở nên thừa thãi. Không còn nhiều nội dung lắm, người ta phải phát chèn vào đấy vô số bài hát, bản nhạc, phần lớn không đúng lúc. Không phải ai cũng có ý định nghe nhạc vào giờ ấy, bài ấy. Mặt khác, chiếc loa nén treo trên cột điện hình như cũng không phải là dụng cụ để nghe nhạc. Tiếng méo và đanh khiến những bản tình ca bất hủ trở nên kệch cỡm, hài hước.
Giờ thì loa phường cũng đã bớt đi nhiều thời lượng phát thanh. Tuy nhiên, nội dung phát thanh cũng lắm lúc tréo cẳng ngỗng. Đang bữa cơm phát thanh về vấn đề dịch tả, phân gio hoặc sốt xuất huyết và phun thuốc muỗi. Đêm đi làm về muộn, sáng sớm đã thấy hô hào ra quét đường phố dù phí vệ sinh hằng tháng đã nộp đầy đủ. Sợ nhất là tiết mục đọc thơ của các cụ tổ hưu ở phường tự sản xuất.
Chủ tịch TP Hà Nội vừa có một đề xuất được lòng nhiều người dân: Xóa bỏ loa phường. Chiếc loa đã hết thời lượng sử dụng này đã có mặt trong rất nhiều tác phẩm văn chương nghệ thuật của Hà Nội. Nó không mất đi đâu cả. Những ai còn tiếc nuối nó có thể mua một chiếc về lắp ở nhà để nghe cho đỡ cơn ghiền. Như thế nó sẽ không còn làm phiền người khác được nữa.