Chuyện cái loa phường

Tiếng loa phường cũng vang lên những bài ca cách mạng tạo nên một sự phấn khích, đặc biệt đối với lớp thanh niên các đô thị miền Nam lần đầu được nghe loại “nhạc đỏ” hùng tráng, góp phần thúc giục họ gia nhập thanh niên xung phong đi xây dụng những vùng kinh tế mới hay tòng quân nhập ngũ chống quân xâm lược ở biên giới Tây Nam, rồi đến biên giới phía Bắc… Những thị dân miền Nam, nhất là những người có tuổi, lúc đầu không khỏi khó chịu nhưng rồi dần dà cũng quen. Huống chi thời bấy giờ đất nước còn khó khăn, với chế độ bao cấp thì cái loa phường lại rất có ích cho bà con nghe thông báo ngày giờ sắp hàng mua gạo mì, mắm muối, chất đốt...

Bước sang thời kỳ đổi mới, xóa bỏ bao cấp thì nhiệm vụ của chiếc loa phường cũng nhạt nhòa theo, vì không còn phải thông báo hàng hợp tác xã tiêu thụ mới về, đi xếp hàng mua nhu yếu phẩm tem phiếu nhưng nó vẫn tồn tại để thông báo này nọ... Nhưng rồi với sự phát triển ào ạt của các phương tiện truyền thông như hiện nay, những tưởng cái loa phường đã phải nằm trong viện bảo tàng hay làm vật lưu niệm của các cán bộ văn hóa thông tin phường. Thế nhưng rất lạ là vào năm thứ 13 của thế kỷ 21 mà cái loa phường vẫn “sống hùng sống mạnh” ngay tại TP.HCM - một “trung tâm văn hóa - khoa học - kinh tế của cả nước”!

Bạn tôi là một giáo viên có trên 30 năm đứng lớp, chắt chiu dành dụm mua được cái nền đất ở vùng ven, nay là quận 2. Năm rồi về hưu, bạn tôi mới cất được căn nhà nhỏ khang trang, anh về quê rước cha lên thành phố để chữa bệnh. Ông cụ đã gần 90, bị nhiều bệnh như suy tim, huyết áp, mất ngủ… Trước đây cụ ở dưới quê với người con cả, anh của bạn tôi, đời sống khó khăn, thiếu thốn. Bạn tôi rất vui vì được hầu hạ, chăm sóc trả hiếu cha những ngày cuối đời. Với đồng lương hưu ít ỏi, bạn tôi phải lãnh dịch và biên tập sách cho một công ty xuất bản để kiếm thêm thu nhập lo cho cha. Nhưng ngay những ngày đầu tiên về nhà mới và rước cha già lên, anh bạn tôi phải khổ sở đối phó với… cái loa phường! Khi xây nhà, mải lo bao chuyện, anh không để ý cách nhà anh mấy mét, trên cột điện bên kia con hẻm đã gắn sẵn hai cái loa mà ban ngày nó im thin thít. Anh lo nhất là cha anh có nguy cơ bệnh nặng thêm. Ông cụ vốn đã bị bệnh mất ngủ, gần sáng cụ vừa chợp mắt thì tiếng loa phường ré lên, có khi kêu “khẹc khẹc” vì loa quá cũ kèm với giọng đọc lè nhè ngái ngủ, vấp váp của ông phát thanh viên phường chĩa thẳng vào phòng ông cụ. Anh bạn tôi vội lấy bông gòn nhét vào tai cụ nhưng chẳng ăn thua gì, tiếng loa vẫn tiếp tục “tra tấn” ông cụ và mọi người. Bạn tôi chẳng dịch sách, biên tập gì được! Đứa con gái út của anh cũng không thể học bài buổi sáng! Ông cụ nhất quyết đòi về lại quê dù bạn tôi tha thiết xin cha ở lại để vợ chồng anh được chăm sóc thuốc thang… Cuối cùng vợ chồng anh phải chọn giải pháp “bỏ của chạy lấy người”: Anh treo bảng bán nhà, còn gia đình anh chạy đi thuê một căn nhà cấp bốn gần bờ sông ở tạm cho cha chữa bệnh, chờ bán nhà để mua chỗ khác.

Qua câu chuyện trên, thiết nghĩ đã đến lúc các ngành thông tin - truyền thông nên cho các loa phường “nghỉ hưu” vì nó đã “hoàn thành nhiệm vụ” rồi; hoặc nếu cần thì dời ra vùng sâu vùng xa ở ngoại thành - những nơi có thể còn cần đến chúng. Dân trong nội thành thiếu gì kênh thông tin từ báo, truyền hình, Internet.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm