Sau khi Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C45) - Bộ Công an triệt phá đường dây bán logo “xe vua” (Pháp Luật TP.HCM ngày 28-8), ngay lập tức thị trường mua bán logo ở Đồng Nai, TP.HCM lắng dịu. Trong khi trước đó, việc mua bán logo “xe vua” tại hai địa phương này diễn ra khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, những người mua logo “xe vua” hầu hết chỉ kinh doanh vận tải nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp (DN) vận tải lớn thường không tham gia.
Mua logo để được CSGT ưu ái
Ông C., một chủ xe tải chuyên chở hàng lưu thông giữa TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai, cho biết cách đây khoảng hai tháng, qua giới thiệu của người quen, ông gặp H. là một người chuyên bán logo “xe vua” tại khu vực cầu vượt Linh Xuân, quận Thủ Đức (TP.HCM). H. cho biết logo trong đường dây của mình là tờ giấy in hình bông sen.
“H. ra giá 2 triệu đồng/tháng để bao xe chạy tất cả tuyến đường trên địa bàn TP.HCM, còn 5 triệu đồng/tháng thì bao thêm các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Các tuyến đường nội tỉnh của hai tỉnh này và tuyến quốc lộ 1K thì H. không bao” - ông C. kể.
Theo thỏa thuận, hằng ngày ông C. sẽ báo cho H. biết lộ trình chở hàng của mình. H. sẽ thông tin cho ông C. biết lực lượng CSGT đang chốt ở đâu để ông C. không đi qua khu vực đó. Còn nếu ông C. vẫn cố tình đi qua và bị CSGT bắt thì ông C. phải tự chịu trách nhiệm. Nếu đi đúng chỉ dẫn của H. mà vẫn bị bắt, ông C. cứ thông báo cho H. biết là CSGT tên gì, đang trực ở chốt nào để H. gọi điện thoại can thiệp. Nếu H. can thiệp không được thì ông C. cứ lấy biên bản về đóng phạt, H. sẽ trả lại tiền sau (nhưng chỉ với những lỗi có mức phạt dưới 2 triệu đồng).
Nhóm bán logo vừa bị C45 bắt giữ hôm 26-8. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)
Sau khi nghe H. quảng cáo, ông C. đồng ý mua logo cho xe của mình với giá 4,5 triệu đồng/tháng (được giảm 500.000 đồng). “Quả thật sau khi mua logo của H., xe của tôi rất ít khi bị CSGT thổi. Khi bị thổi cũng chỉ cần gọi cho H., anh ta gọi đâu đó một hồi là tôi lại được cho đi” - ông C. thừa nhận.
Theo ông C., hầu hết tài xế và chủ xe kinh doanh vận tải nhỏ mua logo nhằm mục đích chở quá tải. Mặc dù biết khi chở quá tải thì H. chỉ bao mức phạt dưới 2 triệu đồng nhưng nhiều người vẫn mua vì “có cảm giác” thường xe có logo thì CSGT cũng ưu ái hơn xe không có logo (?). Ngoài ra, tài xế cũng có cái lợi là được H. thông báo cho biết CSGT đang đứng ở đâu để mà né.
Xe “mồ côi” dựa hơi hãng lớn
Ngoài ra, A., chủ một DN vận tải ở TP.HCM, thông tin tin thêm: Ngoài kiểu bán logo như C45 vừa triệt phá, còn một kiểu bán logo khác đã tồn tại nhiều năm nay. Theo đó, các DN vận tải nhỏ có vài xe (thường gọi là xe mồ côi) muốn tồn tại thường phải gắn logo của một DN vận tải lớn. Ví dụ, khi thấy xe DN vận tải A mà gắn logo của DN B, có nghĩa là DN A đang được DN B bảo kê.
“Thật ra, các xe mồ côi không muốn gắn logo xe khác nhưng họ không có quan hệ nên không thể tự đứng ra chung chi được. Tôi có biết một DN nhỏ phải chi 5-6 triệu đồng/tháng/xe để được gắn logo của DN Đ. Sau khi gắn logo, các xe của DN nhỏ này vô tư chở hàng hóa từ TP.HCM đi Bình Dương, Đồng Nai... mà không bị xử lý quá tải (?)” - A. nói.
Gần với tội lừa đảo hơn Thông tin cho rằng nhóm bảo kê sẽ bị khởi tố về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi Điều 291 BLHS, theo tôi là không phù hợp. Vì để xử lý được nhóm bảo kê về tội danh trên đòi hỏi phải chứng minh thêm dấu hiệu “thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm”. Điều này có nghĩa là các cơ quan chức năng phải chứng minh thêm mối liên hệ giữa nhóm bán logo “xe vua” với các nhân vật cụ thể trong lực lượng CSGT. Theo tôi, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì rõ hơn. Bởi nhóm này đã dùng thủ đoạn để tạo ra niềm tin cho tài xế mua logo và thực tế đã chiếm đoạt được tài sản của các chủ xe (thu lợi hàng tỉ đồng/tháng). Nhưng ngay cả trong tội này cũng phải chứng minh được việc các đối tượng biết trước dán logo đó lên không có kết quả gì với CSGT nhưng vẫn bán cho tài xế. TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật, Xử tội lừa đảo cũng gượng ép Nếu điều tra chứng minh được nhóm bảo kê có sự câu kết, chia chác với CSGT thì hành vi của CSGT có dấu hiệu của tội nhận hối lộ, còn nhóm bảo kê có dấu hiệu phạm tội môi giới hối lộ. Người mua logo cũng có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ vì đã thỏa thuận và mua logo (đưa tiền) để tránh bị kiểm tra, xử phạt. Còn nếu không chứng minh được nhóm bảo kê có sự câu kết, chia chác với CSGT thì nhóm bảo kê có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS). Nhưng nếu xử lý thì cũng chỉ mang tính gượng ép, mang tính “chữa cháy” khi không còn cách nào khác vì ai cũng biết bản chất của hành vi này không phải đơn thuần là lừa đảo. Bởi thực tế nếu dán logo đó vào mà vẫn bị phạt thì người mua không truyền tai nhau mua để sử dụng, tức có lừa thì chỉ lừa được một lần. LS NGUYỄN DUY BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM THANH TÙNG ghi Hiện tôi chỉ biết thông tin vụ bắt logo “xe vua” qua báo chí. Lâu nay cứ xe nào quá tải thì thanh tra giao thông đều lập biên bản xử phạt, không phân biệt xe có dán logo hay không. Sau vụ việc này, tôi đã chỉ đạo anh em nếu gặp xe vi phạm có dán logo thì phải xử thật mạnh tay. Ông NGUYỄN NGỌC TẠI, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai Từ trước đến giờ chúng tôi không biết xe có dán logo hay không, cứ xe vi phạm là chúng tôi lập biên bản xử lý. Chúng tôi khẳng định không có chuyện bảo kê cho các loại xe dán logo này. Còn việc họ lợi dụng thế nào đó để đi qua thì chúng tôi chưa nắm được thông tin. Đại tá DƯƠNG THANH HẢI, Trưởng phòng CSGT Công an Nếu CSGT, thanh tra giao thông xử lý nghiêm minh thì xe quá tải khó có đất sống. Việc hình thành các đường dây chở và bảo kê xe quá tải gây méo mó thị trường vận chuyển. Các DN vận tải làm ăn chân chính sẽ không cạnh tranh lại với DN chở quá tải được bảo kê. Để tồn tại, họ phải lao vào cuộc đua chở quá tải, dẫn đến hạ tầng xuống cấp, tai nạn gia tăng… Ông LƯƠNG HOÀNG TRUNG, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội |