Nhớ GS Dương Quang Trung từ buổi trò chuyện đầu tháng sáu

Chúng tôi lên đường đi Pháp ngày thứ tư 5-6 và sáng thứ hai 3-6, vợ chồng tôi còn đến thăm ông và nói chuyện với ông cả buổi sáng tại phòng khách nhà ông. Không thấy vẻ gì bệnh, yếu. Ông vẫn từ tốn, vui tươi và quan tâm tới thời sự, ông hỏi han về chuyện đời sống báo chí và tiếp tục nói về những hoài bão đang làm.

Xúc động vô bờ, vì chúng tôi với ông có những quan hệ khăng khít vừa trong công việc vừa riêng tư từ gần 30 năm qua. Nhớ lần đầu tiên vợ tôi, nhà báo Mai Lan của báo SGGP phỏng vấn ông, tại văn phòng giám đốc Sở Y tế TPHCM khoảng cuối những năm 1980, đứa con trai đi theo mới chừng 7-8 tuổi, không biết làm gì trong lúc chờ mẹ, hết nằm lại ngồi trên ghế salon, ông loay hoay tìm không có món đồ chơi nào bèn lấy một cây bút chì màu cho cháu vẽ. Đứa trẻ đó giờ đã 31 tuổi. Ở bài phỏng vấn đó, ghi nhận những  những bước chuyển thần kỳ của nền y tế kỹ thuật cao tại TPHCM, nhưng cũng đầy những trăn trở  về một mạng lưới y tế cơ sở cho người nghèo, một bài toán nan giải mà cho đến khi mất - dù ở cương vị nào - ông vẫn đau đáu đi tìm lời giải

Tôi cố gắng không tin, mở mạng tìm tin, gõ vào Google lúc đó chỉ hiện ra tên GS Thái Quang Trung từ trần. Và, trong một khoảnh khắc, tôi nghĩ thầm: Nhầm rồi, GS Thái Quang Trung chứ không phải GS Dương Quang Trung! Nhưng chợt nhớ GS Thái Quang Trung đã mất trước lúc tôi lên đường.

Nhưng rồi, bản tin báo Tuổi Trẻ hiện ra, không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi lập tức nhắn tin cho người bạn thân thiết của GS Dương Quang Trung - GS François-Xavier Roux, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh BV Sainte Anne - người mà cách đây mấy hôm trong buổi trò chuyện với chúng tôi cho biết: "Mới gặp lại ông Trung gần đây. Năm tới tôi về hưu, sẽ hoạt động thường xuyên ở Campuchia và Việt Nam, và dự định sẽ có nhiều chương trình hoạt động với GS Trung". GS Roux là một chuyên gia tầm cỡ quốc tế đã từng được bí mật tiếp xúc và được bí mật mời sang Triều Tiên chữa bệnh cho Cố Chủ tịch Kim Jong In nhiều lần, ông còn là một nhà hoạt động y tế hướng về người nghèo và thế giới thứ ba không mệt mỏi, cùng chí hướng với GS Trung, một trong những sáng lập viên tổ chức nhân đạo vì sức khỏe của trẻ em các nước nghèo trên toàn cầu La Chaîne de l’Espoir .

Ngay liền sau đó, GS Roux nhắn tin lại:

Oh. Tôi lấy làm tiếc một cách sâu sắc và rất buồn vì mất một người bạn thật sự. Tôi vừa nói chuyện với Trung trên điện thoại cách đây vài tuần và anh có vẻ còn khỏe mạnh lắm. Xin vui lòng chuyển đến  tất cả bạn bè chung của chúng ta những tình cảm thân ái và nỗi buồn thành thật của tôi. GS FX. Roux.

Sáng chủ nhật Paris nắng đẹp trời trong nhưng tôi không còn tha thiết làm gì nữa. Thông tin trên báo còn ít quá, tôi muốn ngay lập tức nhiều người có thể biết đến tin này và biết đến GS Trung với những ngưỡng mộ như tôi. Tôi lục tìm trên mạng và may thay một bài viết của anh Trần Giữu báo Sức Khỏe & Đời sống xuất hiện, một bài tổng kết cuộc đời và sự nghiệp Dương Quang Trung một cách đầy đủ nhất mà tôi biết đến thời điểm đó: Viện sĩ, tiến sĩ Dương Quang Trung: Người thầy thuốc mẫu mực. Trong khoảnh khắc, tôi ngạc nhiên vô cùng, GS Trung mới mất tối qua mà sao lại có một bài nécrologie kịp thời thế này. Anh Giữu đã chuẩn bị sẵn rồi à? Nhưng coi kỹ lại, té ra bài viết 5 năm trước nhân dịp ông nhận huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Tôi chuyển bài này lên Pháp Luật Online và trở thành bài báo được nhiều người đọc nhất. Xin cám ơn đồng nghiệp Trần Giữu đã giúp tôi có được một nén hương gởi về từ trời Tây, vì tôi không về kịp, để cùng vòng hoa lan, ly, hồng trắng viếng ông.

Tôi không biết làm gì, nên cố gắng đi tìm những chi tiết nhỏ mà ít người biết về ông để bổ sung, tôi và ông cùng học ở Bordeaux nhưng cách nhau 40 năm nên tôi biết trường ĐH Y khoa Bordeaux mà từ đó ông đã trở thành một phẫu thuật viên giỏi những năm 60 là trường Victor Segalen  gắn với truyền thống 600 năm tuổi của ĐH Bordeaux, cạnh Place de la Victoire mà có lần ông đã xác nhận với tôi. Chi vậy? Vì tôi nhớ đến hồi làm lễ chia tay, ông Hiệu trưởng trường tôi, D. Garrec nói với cả khóa: Rời trường, thất bại là chuyện của các anh chị, thành công là sản phẩm của trường, trường sẽ theo dõi các anh chị trong suốt cuộc đời. Đó, tôi muốn ngôi trường Victor Segalen giờ đây cũng tự hào vì có một người học trò như ông.

Viết về ông, nhiều người đã viết và dường như tất cả đều cùng thống nhất, chân dung nền y tế TPHCM hôm nay đồng dạng với chân dung của ông, với trí tuệ và tầm nhìn của ông. Hoạt động trí vận, tập hợp trí thức chuyên khoa, xây dựng những trung tâm y tế chuyên sâu vào thời điểm mà tổ chức chăm sóc sức khỏe còn mang tính hành chính, muốn chuyên khoa phải ra Hà Nội, nhờ vậy mà TP  và các tỉnh phía Nam giờ đây có được đầy đủ những BV chuyên khoa hàng đầu không kém ai để hỗ trợ trung ương lo sức khỏe toàn dân. Và, đó cũng là bước đệm để đi tới việc thành lập một trường ĐH Y của TP sau này theo phương châm hướng về cộng đồng, vì như ông nói: Lập một trường Y không khó, cái khó là phải có BV để đào tạo liên kết (theo mô hình CHU - Centre Hospitalier Universitaire) gắn bó với cộng đồng và còn nữa, đa dạng hóa cơ sở khám chữa bệnh với đề xuất khai sinh ra nền y tế tư nhân song hành...

Nhớ về ông, trên hết đó là người biết trân trọng chất xám. Những bác sĩ trẻ của Sài Gòn những năm 75 bơ vơ trước thời cuộc - ông đưa tay ra bảo vệ, nâng đỡ họ, để rồi sau này, đa số trở thành những chuyên gia y tế tầm cỡ của thành phố. Ông cũng đã đề nghị và giới thiệu chúng tôi đến gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để ghi chép lại một giai đoạn "có triệu người vui và cũng có triệu người buồn", với những gian khổ, trăn trở, khắc khoải, đấu tranh giữa chuyện ra đi hay ở lại với quê hương trong giới trí thức SàiGòn. Chúng tôi chỉ kịp gặp và bàn luận với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về đề cương và chọn lựa những nhân vật cho tập ghi chép của mình, thì ông đã đi xa. Rồi câu chuyện đành trở về với ông, chú Tư Dương Quang Trung, để ghi nhận về hành trình của ông với trí thức ngành Y tế Sàigòn hội nhập với bác sĩ trong chiến khu về, cùng nhau dốc sức để thoát khỏi nền y tế "xuyên tâm liên" và rau muống... "đạm thịt bò". Nhưng tất cả đều đã muộn màng. Thời gian không chờ đợi một ai. Nhưng, cũng chính thời gian đã kịp để lại trong lòng nhiều người hình ảnh đôn hậu đầy trí tuệ, đầy viễn kiến của ông. Vĩnh biệt ông, chú Tư Dương Quang Trung.

                                                                                                        Paris, 25 tháng 6 năm 2013

 Thẩm Tuyên

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm