Từ câu chuyện tài sản của sư Toàn nhiều câu hỏi về việc sở hữu tài sản của tăng ni đã được đặt ra. Cụ thể, sư Toàn có được phép là chủ sở hữu tài sản sau khi xuất gia hay không?
Tì kheo khi xuất gia, tài sản thuộc về tăng đoàn
Trả lời Pháp Luật TP.HCM, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), cho biết: “Giáo hội đã yêu cầu Ban trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc phải xác minh rõ nguồn gốc tài sản của thầy Thanh Toàn, thứ đến làm rõ có hay không có tài sản 200-300 tỉ đồng như thầy phát ngôn. Bởi vì con người thầy Toàn, Ban trị sự huyện Tam Đảo nắm được rất rõ. Theo báo cáo nhiều khi thầy Toàn phát ngôn không đúng, Ban trị sự Tam Đảo không tin thầy Toàn có khối tài sản như thầy nói”.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, hiện Hội đồng trị sự GHPGVN cũng nhận được báo cáo nhanh về tài sản của thầy Toàn. “Thầy Toàn đứng tên hơn 6.000 m2 đất và một số đất thủy lợi. Dù có đúng theo Luật Đất đai nhưng theo luật Phật, một vị tì kheo khi xuất gia thì tất cả tài sản được sử dụng đó đều thuộc về tăng (tăng đoàn). Nếu thầy không là hiện diện của tăng, của tam bảo thì không ai công đức. Dù thầy Toàn khẳng định đó là tài sản của mình, thầy Toàn cũng không được phép nhận lại tài sản đó” - Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Thượng tọa Thích Đức Thiện phân tích về việc tài sản của tăng ni, rằng: “Khi một vị tì kheo chết đi, cái gọi là tài sản bên mình gồm ba tấm y ca sa đó cũng phải chuyển lại cho tăng chứ không có sự thừa kế ở đây. Y cứ theo luật Phật thầy Toàn không có quyền sở hữu tài sản này. Căn cứ Hiến chương GHPGVN, tài sản thuộc về giáo hội. Căn cứ theo nội quy Ban tăng sự trung ương, giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản, Ban trị sự có quyền định đoạt tài sản thuộc tự viện, chùa địa phương, cao nhất là giáo hội. Nội quy Ban tăng sự trung ương quy định rất rõ khi bổ nhiệm trụ trì tất cả tài sản thuộc về tăng. Do vậy, thầy Toàn không có quyền sở hữu tài sản. Việc thầy lý luận do công đức cá nhân nhưng cá nhân cũng thuộc về tăng” - Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh.
Chưa có tiền lệ, vấn đề sở hữu tài sản của nhà sư xin xả giới hoàn tục đang được bàn luận sôi nổi. Ảnh: Tư liệu
Góc sân chùa Nga Hoàng. Ảnh: INTERNET
Tài sản của sư Toàn thuộc giáo sản
Thực tế, vấn đề tài chính, tài sản (thường gọi là giáo sản) của giới tăng ni thuộc GHPGVN được quy định khá rõ trong Hiến chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ VI. Cụ thể, Điều 62 Chương 11 của hiến chương quy định rõ: “Tài chính của GHPGVN gồm có: 1. Niên liễm do các thành viên đóng góp. 2. Tài chính do các tăng ni, cư sĩ Phật tử, tư nhân trong và ngoài nước cúng dàng. 3. Tài chính do giáo hội tự tạo”.
Thượng tọa Thích Đức Thiện là người đích thân liên hệ sư Toàn yêu cầu làm bản tường trình gửi Ban trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc. Ban trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định bãi nhiệm, thu hồi chức trụ trì chùa Nga Hoàng đối với thầy Thích Thanh Toàn. Giáo hội cũng chỉ đạo Ban trị sự Vĩnh Phúc tiến hành các thủ tục để sư Toàn xả giới hoàn tục. |
Và Điều 63 Chương 11 cũng quy định: “Tài sản của GHPGVN gồm có động sản, bất động sản hợp pháp: 1. Do giáo hội xây dựng, tạo mãi hoặc tư nhân trong và ngoài nước hiến cúng hợp pháp. 2. Do các thành viên tăng ni, cư sĩ Phật tử thuộc các tổ chức giáo hội, hội, hệ phái Phật giáo qua các thời kỳ xây dựng, tạo mãi hợp pháp, được giáo hội bảo hộ và quản lý chung theo luật pháp Nhà nước. 3. Giáo sản được giải quyết căn cứ theo quy định chung của pháp luật về tài sản”.
Bên cạnh đó, trong nội quy Ban tăng sự trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022), cụ thể ở Chương VI quy định rất rõ về tài sản tự viện. Trong đó, tự viện là giáo sản và chịu sự quản lý của GHPGVN.
Thế nên khi một người đã xuất gia như sư Toàn, tài sản có được từ cúng dường, hiến cúng… phải được xem là tài sản giáo hội, người hiến cúng dù tu ở ngôi chùa, đất đai mình đã hiến cúng sẽ không còn có quyền quyết định về bất động sản này, bởi vì ngôi chùa và vị tăng ni này đã thuộc tổ chức giáo hội điều hành (nếu đã gia nhập giáo hội).
Góc nhìn khác về tài sản của sư Toàn Vấn đề nhiều người thắc mắc là khi một nhà sư rời cửa Phật có thể mang theo tài sản có được trong quá trình tu hành, nhất là tài sản đứng tên khai sinh (thế danh) của chính người tu hành đó hay không. Chúng tôi nhận được ý kiến của một tu sĩ (đề nghị không nêu tên) ở Đồng Nai, xin giới thiệu cùng bạn đọc. Vấn đề tài sản của nhà chùa hay của cá nhân rất rõ ràng. Ví dụ, số tiền cúng dường để xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, hay tiền khách thập phương cúng vào thùng công đức của chùa, hoàn toàn không thuộc sở hữu riêng của thầy trụ trì. Vì thầy trụ trì đứng tư cách pháp nhân quản trị ngôi chùa thì không được xâm phạm vào tài sản ấy. Thường thì chùa có ban hộ tự, có thư ký, thủ quỹ ghi chép chi thu nên rất rõ ràng. Vì thế Ban Pháp chế Giáo hội giải thích rõ: “Tài chính của tự viện là do tín đồ trong và ngoài nước hỷ cúng, do đó nó thuộc sở hữu của tự viện, không thuộc sở hữu của vị trụ trì quản lý tự viện, ngoại trừ phần tài chính do vị trụ trì có được một cách hợp pháp bằng lao động, tạo mãi”. Như vậy, khái niệm lao động, tạo mãi, được hiểu như thế nào? Ví dụ, trong thời gian tu hành, vị trụ trì đi ứng phó đàn tràng, cúng lễ cho các thí chủ bằng uy tín và quan hệ cá nhân của mình (ngoài các lễ nghi được thực hiện trong chùa), thí chủ tùy tâm cúng dường riêng cho vị thầy kia thì tài sản đó được xem là tài sản cá nhân. Vị thầy ấy có thể dùng tài sản cá nhân để phát triển chùa nhưng không được dùng tiền công đức chùa để tiêu xài cá nhân. Nếu một vị thầy hoàn tục hay viên tịch thì chư tăng sẽ nhóm họp, tác pháp yết ma quyết định đối với tài sản chùa và tài sản cá nhân của đương sự. Nếu vị trụ trì viên tịch có di chúc, ví dụ số tài sản đứng tên cá nhân (tục danh) gửi riêng một phần cung nuôi cha mẹ già, trao cho các tổ chức thiện nguyện, hay cho tổ chức, cá nhân nào đó thì chư tăng họp bàn cân nhắc tôn trọng quyết định ấy. Toàn bộ số tiền còn lại, nếu không có di chúc sẽ được chuyển giao cho người kế nhiệm quản lý. Với người hoàn tục, toàn bộ số tài sản mang danh nghĩa cá nhân (tục danh), chư tăng họp bàn trên tinh thần y cứ vào hiến chương giáo hội và luật pháp để xử lý, miễn sao không xâm phạm vào giáo sản gồm động sản, bất động sản của tự viện. Nếu tài sản ấy bị cho là bất minh thì có các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ. Chẳng hạn mảnh đất kia do ai cúng cho cá nhân vị đó, nếu điều tra ra là đúng người ta cúng cho cá nhân vị đó thì chúng ta không thể xâm phạm, nếu vị thí chủ nào đó nói lại “tôi cúng là cúng cho chùa” thì giáo hội có thể kiến nghị cơ quan bảo vệ pháp luật thu hồi. Tranh chấp này thường xảy ra và khó giải quyết khi con cháu thế tục của người tu hành đòi quyền sở hữu tài sản. Một số trường hợp phải giải quyết bằng “giao dịch dân sự” để hài hòa. Điều đó cho thấy giáo hội và Nhà nước cần phải có quy định rõ ràng và chi tiết hơn nữa. Khối tài sản kếch xù kia nếu do uy tín của vị ấy mà có, sau này làm cư sĩ hộ pháp, vẫn có lợi lạc cho số đông nếu vị kia vẫn còn hoài bão Phật pháp. Chỉ ngại nhất nếu xảy ra sự cố gì với vị ấy thì số tài sản cá nhân kia lại phân chia theo luật thừa kế. Đôi khi những người chẳng có một ngày có tâm hộ đạo mà lại hưởng lợi trên đó. PHƯƠNG LOAN ghi |