Xâm nhập mặn khiến Bến Tre thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm

(PLO)- Mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Bến Tre tiếp tục đối mặt với đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử, riêng thiệt hại của ngành nông nghiệp là 1.660 tỉ đồng.

Chiều 15-11, UBND tỉnh Bến Tre đã có buổi làm việc với Đoàn cán bộ Tuyên giáo, báo chí TP.HCM về tình hình và giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết sông Mê Kông có chín cửa đổ ra biển Đông tại ĐBSCL thì trong đó Bến Tre có 4 cửa sông nên là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xâm nhập mặn và sạt lở.

Cụ thể, theo số liệu của Sở NN&PTNT Bến Tre, trong mùa khô năm 2015-2016, mặn tăng cao đột ngột và xâm nhập rất sâu, ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.800 tỉ đồng. Mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Bến Tre tiếp tục đối mặt với đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử. Độ mặn 2‰ hầu như bao phủ toàn tỉnh trong thời gian dài, có thời điểm trên 5‰.

Đợt mặn năm 2019-2020 đã gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, 5.400 ha lúa vụ Đông Xuân (vụ 3) chết; gần 28.000 ha cây ăn trái trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng... cùng gần 87.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.660 tỉ đồng.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cùng đoàn công tác báo chí, tuyên giáo TP.HCM làm việc tại UBND tỉnh Bến Tre chiều 15-11. Ảnh: QH

Giải pháp phòng chống xâm nhập mặn, ông Cảnh cho biết, trong khi các công trình thủy lợi chưa được đầu tư khép kín, tỉnh tổ chức vận hành linh hoạt các công trình hiện có kết hợp với giải pháp công trình đập tạm ngăn mặn, bờ bao cục bộ để tích trữ tối đa nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

Tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi, để kết hợp với các công trình đã và đang đầu tư tạo thành hệ thống khép kín cho cả hai Tiểu vùng Bắc - Nam Bến Tre giúp kiểm soát được nguồn nước, ngăn mặn xâm nhập từ các sông Tiền, Hàm Luông và Cổ Chiên.

Đoàn hành trình Đất Phương Nam khảo sát thực tế tại một công trình thuỷ lợi chống xâm nhập mặn tại TP Bến Tre. Ảnh: QH

Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại Bến Tre cũng đáng báo động, theo đại diện Sở NN&PTNT Bến Tre, toàn tỉnh có hơn 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 138 km.

Trong đó, sạt lở bờ sông 104 điểm, tổng chiều dài hơn 118 km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân. Sạt lở bờ biển 8 điểm tổng chiều dài khoảng 19,4 km, mức độ xâm thực bờ biển đang diễn ra mạnh mẽ. Trung bình hàng năm bờ biển lấn sâu vào trong đất liền khoảng từ 10-15 m làm mất trên 120 ha đất và khoảng 100 ha rừng phòng hộ ven biển.

Trong thời gian qua, tỉnh đã tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; tăng cường thông tin, cảnh báo các khu vực đã, đang và có nguy cơ sạt lở, thực hiện Chương trình bố trí dân cư, hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn. Triển khai thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư,... để xử lý, gia cố tạm thời nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.

Đồng thời, được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Bến Tre đã và đang triển khai đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, công tác phòng chống, khắc phục sạt lở của tỉnh còn gặp một số khó khăn. Kinh phí đầu tư công trình khắc phục sạt lở rất lớn trong khi nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, chủ yếu đề xuất, kiến nghị Trung ương hỗ trợ dẫn đến chưa thể đầu tư, xử lý được hết các điểm sạt lở.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM cho biết cơ quan báo chí là đơn vị hiểu rất rõ những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại các địa phương, trong đó Bến Tre là tỉnh chịu ảnh hưởng rất nặng nề về xâm nhập mặn, sạt lở. Vì vậy, sắp tới, Hội Nhà báo TP.HCM đề xuất phối hợp với Hội Nhà báo Bến Tre có những đợt cao điểm thông tin tuyên truyền về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lở.

“Cụ thể sẽ có những chuyến khảo sát thực tế, có những chuyên đề sâu hơn về những giải pháp phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, sắp tới bước vào mùa khô, ảnh hưởng xâm nhập mặn sẽ rõ rệt hơn”- ông Phong chia sẻ.

Đoàn tham quan thực tế Hành trình Đất Phương Nam do đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM làm trưởng đoàn, diễn ra trong 5 ngày, từ 15-11 đến 19-11-2022, qua các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu và TP Cần Thơ. Mục đích chuyến khảo sát nhằm giúp báo chí TP.HCM có cơ hội ôn lại các giá trị truyền thống và cập nhật, nắm bắt thực tế các tỉnh tại ĐBSCL.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới