Sáng 14-1, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Luật Công chứng năm 2014.
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành đánh giá Luật Công chứng năm 2014 đã góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Đặc biệt là việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở - lĩnh vực vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp.
Tuy nhiên, chất lượng hoạt động hành nghề công chứng còn có những sai sót, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Một bộ phận công chứng viên chưa tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng còn chưa tương xứng với sự phát triển của nghề công chứng. Công tác quản lý nhà nước về công chứng còn chưa thực sự sâu sát, triệt để…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: dangcongsan.vn
Do vậy, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả trong thời gian tới. Cụ thể, trước mắt cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, tăng cường kiểm tra, thanh tra trong hoạt động công chứng. Về lâu dài, cần rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng, đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng…
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết hoạt động công chứng đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế.
Trong thời gian tới, ông Hiếu đề nghị cần nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng, trong đó tập trung xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Công chứng sửa đổi, bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong hoạt động công chứng. Tập trung sửa đổi những quy định đang gây cản trở, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả.
Đặc biệt, ông Hiếu yêu cầu cần phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững, tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng hoạt động công chứng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân. Trong đó đặc biệt quan tâm việc xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, lành mạnh để tiến tới hình thành các tổ chức hành nghề công chứng có quy mô, uy tín nhằm củng cố niềm tin của xã hội đối với nghề công chứng và giới công chứng viên.
Cùng với đó cần chú trọng đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên, người tập sự hành nghề công chứng gắn với nhu cầu thực tế của từng địa phương để có phương án quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm phù hợp.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, các đoàn thanh tra đột xuất, phát huy vai trò, trách nhiệm kiểm tra, thanh tra của các sở Tư pháp, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm.
Ông Hiếu cũng đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đề án chuyển đổi số trong hoạt động công chứng.