Bắt nhóm tráo sổ hồng, qua mặt công chứng viên

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Đà Nẵng cho biết vừa bắt tạm giam sáu người trong đường dây làm giả, đánh tráo sổ hồng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức.

Công an phải mất nhiều công sức mới triệt phá được băng nhóm này.

Theo Thiếu tá Ngô Văn Minh, Đội trưởng Đội 1, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Đà Nẵng, qua công tác nắm tình hình, giữa năm 2021 xuất hiện tình trạng chủ đất chưa bao giờ chuyển nhượng cho ai nhưng trên hồ sơ thì đất đã được sang tên qua nhiều đời chủ.

Qua làm việc với các chủ đất và các bước xác minh, các trinh sát xác định đây là vụ án lừa đảo nên xác lập chuyên án đấu tranh.

Nhóm bị can được đưa đi xét nghiệm COVID-19 trước khi tạm giam.
(Ảnh nhỏ:Những sổ hồng mà nhóm lừa đảo làm giả). Ảnh: HẢI HIẾU

Sau nhiều tháng theo dõi, công an bắt Lê Thị Thu Thủy và Nguyễn Văn Tỉnh (cùng ngụ huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để điều tra.

Theo khai nhận, nhóm này thường xuyên truy cập các trang mạng rao mua bán bất động sản. Khi chủ đất đăng ảnh hai mặt của sổ hồng thì tải về, làm giả một sổ hồng giống như thật, chi tiết đến độ cũ, nhàu của sổ hồng mà chủ đất đăng tải.

Sau đó, nhóm này hẹn chủ đất tại nhà, yêu cầu được xem sổ hồng. Trước khi đi nhóm lừa đảo đã chuẩn bị sổ hồng giả trong một kẹp hồ sơ giấu trong những tờ giấy A4 khác.

“Sau khi được chủ nhà đưa sổ thật ra cho xem, một người trong nhóm sẽ giả vờ xin ly nước để chủ nhà đi rót nước. Lúc chủ nhà không có mặt, nhóm này sẽ đánh tráo sổ hồng thật” - Thiếu tá Minh nói.

Tiếp đó, để có thông tin CMND/CCCD, sổ hộ khẩu của chủ đất, nhóm lừa đảo giả vờ đồng ý mua và đề nghị chủ nhà cho chụp lại các thông tin để gửi qua cơ quan công chứng soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng.

Có được thông tin của chủ đất, nhóm này quay về làm giả sổ hộ khẩu, giấy CMND/CCCD. Để nhân viên các cơ quan công chứng không phát hiện khi đối chiếu dấu vân tay, nhóm lừa đảo lấy dấu vân tay và hình của một thành viên trong nhóm khi làm giấy CMND/CCCD giả rồi rao bán mảnh đất vừa lừa đảo.

“Nhóm này rất tinh vi, thường rao bán đất rẻ hơn giá thị trường để thu hút người mua nhanh và đưa tiền một lần. Còn khi tiếp xúc với bên bán cũng ít dở khẩu trang ra nên thông tin rất mờ khiến công tác xác minh, truy vết, điều tra gặp nhiều khó khăn” - Thiếu tá Minh chia sẻ.

Sau khi bắt hai nghi phạm, công an cũng xác định được các nghi phạm còn lại nhưng tình hình dịch COVID-19 trên cả nước phức tạp, việc truy bắt bị gián đoạn. Đến cuối tháng 12-2021, nhiều tổ công tác đồng loạt ra quân và bắt giữ bốn người khác ở Hà Nội, Bắc Giang.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa và TP Hà Nội tống đạt quyết định khởi tố bị can với Trần Văn Mão (34 tuổi) và Nguyễn Thị Hậu (52 tuổi, cùng ngụ huyện Sóc Sơn) vì hai nghi phạm này đang là bị can của hai vụ án khác, đang bị tạm giam.

Bước đầu, nhóm này khai nhận đã đánh tráo bốn sổ hồng ở địa bàn TP Đà Nẵng, lừa bán 5,6 tỉ đồng.

Nhóm lừa đảo này còn khai nhận thực hiện trót lọt ở Hà Nội 12 vụ, Lâm Đồng một vụ và nhiều vụ ở các tỉnh miền Tây.

Đây là thủ đoạn phạm tội không mới và công an nhiều tỉnh, thành đã bắt giữ nhiều người.

Công an cảnh báo người dân, cơ quan chức năng

Công an cảnh báo người dân khi giao dịch, chuyển nhượng nhà đất thì không nên cung cấp, đưa sổ hồng và giấy tờ tùy thân bản gốc của mình cho những khách lạ. Đồng thời, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin của người mua. Trường hợp người dân phát hiện hoặc nghi vấn có dấu hiệu tội phạm thì bình tĩnh ghi biển số xe, chụp ảnh người khả nghi cung cấp cho cơ quan công an.

Đối với cơ quan công chứng, nhất là các cơ quan công chứng ở các quận, huyện phải nâng cao cảnh giác đối với các hồ sơ được người môi giới giới thiệu đến công chứng hoặc làm theo yêu cầu của người môi giới.

Khi tiếp nhận hồ sơ, nghi vấn giấy tờ tùy thân giả thì phải yêu cầu những người này cung cấp thêm các giấy tờ có hình ảnh khác để kiểm chứng thông tin. Nếu phát hiện sử dụng giấy tờ tùy thân giả thì thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất. Cạnh đó, các cơ quan công chứng nên gắn camera có lưu trữ dữ liệu, hình ảnh hoạt động tại đơn vị để dễ truy xuất.

Đối với văn phòng đăng ký đất đai, khi tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần kiểm tra kỹ hồ sơ của người nộp, nhất là hồ sơ của người “môi giới” nộp giùm. Trường hợp phát hiện, nghi ngờ giấy chứng nhận giả thì cần phối hợp với cơ quan công an để xác minh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm