Xây dựng dự án điện nhưng không có địa chỉ để bán trực tiếp

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tập trung giám sát vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 24-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với kế hoạch giám sát về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đây là một trong hai nội dung giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023. Đoàn giám sát dự kiến báo cáo kết quả giám sát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát trước kỳ họp 6 (tháng 10-2023).

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng nội dung chuyên đề giám sát này nên tập trung nhiều vào ngành điện hơn là các lĩnh vực khác như dầu khí hay than.

Cụ thể, ông Thanh đề nghị tập trung vào một số vấn đề qua thực tiễn giám sát nổi lên như Quy hoạch điện 7 điều chỉnh chỉ cho phát triển 850 MW công suất năng lượng tái tạo, nhưng thực tế, loại năng lượng này phát triển vượt quy hoạch gấp nhiều lần, lên tới hơn 20.000 MW.

“Vừa rồi giá ưu đãi FIT khiến các nhà đầu tư đổ xô đầu tư trong thời gian ngắn, dẫn tới tình trạng dư thừa điện mặt trời, điện gió. Cuộc chạy đua này dẫn tới thừa thiếu cục bộ, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia”- ông Thanh đề nghị cần tập trung giám sát ở khía cạnh này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Liên quan tới quy hoạch điện 7, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng điện - than - dầu phải gắn kết với nhau trong quy hoạch năng lượng chung. Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng quy hoạch, chúng ta lại tập trung vào một số quy hoạch mang tính ngắn hạn trong khi quy hoạch tổng thể dài hạn cả ngành năng lượng thế nào không rõ...

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nội dung giám sát tập trung vào vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng. “Cung cầu cũng là an ninh năng lượng. Phải trả lời câu hỏi có thiếu điện không? Đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay thế nào?”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Ngoài ra, ông Vương Đình Huệ cho rằng có những chính sách hiện hành phải điều chỉnh như việc Tập đoàn Dầu khí (PVN) đang muốn phát triển điện gió ngoài khơi song lại đang vướng các quy định hiện hành.

“Mỗi thời kỳ có sứ mệnh riêng. Ta không chủ trương mở rộng đa ngành nhưng nếu PVN làm dầu khí xa bờ thì triển khai điện gió ngoài khơi là phù hợp”- ông nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần giám sát vấn đề chuyển đổi năng lượng gắn với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Theo ông, đây là một trong hai vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay.

“Cơ hội nhiều nhưng thách thức nhiều lắm”- Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết khi Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào 2050 là ngang các nước châu Âu và sớm hơn Trung Quốc 10 năm (2060).

Theo Chủ tịch Quốc hội, thách thức là những nước nghèo như Việt Nam sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài, kể cả vốn, công nghệ và sau này cả nhà thầu trong chuyển đổi năng lượng.

Ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý cần tập trung giám sát chính sách phát triển năng lượng, tiết kiệm năng lượng. “Một mặt năng lượng phải đảm bảo nhưng mặt khác, mình đã nghèo nhưng lại còn xài sang. Chính sách tiết kiệm năng lượng phải chú trọng trong cả sản xuất và tiêu dùng”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về vấn đề thị trường năng lượng cạnh tranh, chính sách bán điện trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá đang "rất vướng". “Người ta xây dựng dự án điện nhưng không có địa chỉ để bán trực tiếp. Cái này nhà đầu tư trong nước kiến nghị nhiều"- ông Vương Đình Huệ nêu vấn đề.

Ứng xử "nhẹ như lông hồng" với việc ban hành văn bản sai gây ách tắc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại mục đích của giám sát là trách nhiệm giải trình. Ông yêu cầu giám sát phải đánh giá được việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời đánh giá việc ban hành văn bản, nghị định, thông tư, quy hoạch, kế hoạch triển khai các luật.

“Có những cái văn bản ban hành ra gây ách tắc bao nhiêu mà chúng ta ứng xử nhẹ như lông hồng”- Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết hàng năm, kiểm toán, thanh tra và ngay Bộ Tư pháp chỉ ra hàng trăm văn bản không đúng quy định, gây ách tắc, cài cắm lợi ích, cần phải có đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm