Giám sát nguồn lực phòng chống COVID-19: Làm rõ trách nhiệm giải trình

(PLO)- Giám sát của Quốc hội không làm thay việc của cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán .
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-9, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành pháp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay khi đề xuất nội dung giám sát này, một số ĐBQH ngành y đề nghị cân nhắc vì Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, cơ quan điều tra cũng đã “vào cuộc”, thêm đoàn giám sát của Quốc hội nữa sợ sẽ tạo phiền toái, ảnh hưởng hoạt động bình thường tạo thêm áp lực cho ngành y tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tuy nhiên, theo ông Vương Đình Huệ, nói đến giám sát của Quốc hội nói đến trách nhiệm giải trình. “Các cơ quan khác làm mức độ khác, giám sát tối cao của Quốc hội phải đề cao trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm giải trình ở đây được hiểu là đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước. Mặt nào tốt, được, mặt nào tồn tại yếu kém và trách nhiệm của anh thế nào?”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Đồng thời ông cũng lưu ý “trách nhiệm” ở đây là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm theo quy định pháp luật, trách nhiệm hành chính. Kể cả có sai phạm thì đề xuất các cơ quan khác xử lý theo quy định.

“Quốc hội sẽ kết luận bằng Nghị quyết giám sát, để cơ quan hành pháp ‘giải tỏa’ hết trách nhiệm giải trình. Chứ giám sát không làm thay cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán”- ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ông đề nghị hệ thống hóa lại tất cả chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, ‘bám’ vào văn bản gốc để thực hiện giám sát, đánh giá, tránh “mênh mông bể sở sẽ không biết đằng nào để đánh giá”.

Lưu ý các vấn đề về vaccine

Liên quan đến nội dung giám sát, Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong huy động các nguồn lực để chống dịch có nguồn lực trong nước và nguồn lực nước ngoài. Riêng nguồn lực nước ngoài có vấn đề tiếp nhận mua sắm vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế.

“Kit test các cơ quan khác làm kỹ rồi, giám sát không nên tập trung vào nội dung đó. Nên chăng tập trung vào vaccine, cơ chế COVAC và các hình thức viện trợ khác là bao nhiêu, thu và phân phối, sử dụng thế nào? Việc mua vaccine thế nào, có đúng không, quản lý, phân phối, sử dụng như thế nào?”- ông Vương Đình Huệ đặt vấn đề.

Cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập việc nghiên cứu, sản xuất, chế tạo vaccine, các vật tư thiết bị trong nước.

“Tôi thấy có loại vaccine đang chờ cấp phép sử dụng là nanocovac đúng không? Nhưng đến bây giờ chả thấy gì”- ông nói và nhấn mạnh vấn đề ‘tự lực, tự cường’ trong phòng chống dịch rất quan trọng, cần đánh giá được mức độ thế nào.

Ngoài ra, ông Vương Đình Huệ cho rằng cần giám sát việc huy động các nguồn lực trong phòng chống dịch ở các địa phương, tập trung xem xét hiệu quả sử dụng các nguồn lực, ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các quỹ dự phòng.

“Tránh chồng chéo, trùng lặp, tránh lãng phí nguồn lực vào chỗ không cần thiết”- Chủ tịch Quốc hội lưu ý khi lựa chọn “trọng tâm, trọng điểm” giám sát.

Không được làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của ngành y

Về cách thức thực hiện giám sát, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu “triệt để sử dụng tài liệu các cơ quan đã có”, đặc biệt là “không nên kéo quân ào ạt xuống các địa phương”. “Hệ thống y tế đang bận rộn và áp lực như thế. Không thể suốt ngày đưa ra vấn đề bắt đi giải trình, báo cáo. Nguyên tắc là không được gây ảnh hưởng hoạt động bình thường của y tế từ Trung ương đến địa phương”- ông Vương Đình Huệ nói.

“Bây giờ tình trạng y tế thiếu thuốc, mua sắm khó khăn như thế, cứ thanh tra nọ, thanh tra kia rồi lại giám sát xuống. Đừng có đi nhiều đồng chí ạ. Địa phương người ta kêu rần rần về chuyện đó. Không khéo lại phản tác dụng.

Các đồng chí cứ quần thảo báo cáo, tài liệu trên này. Sau đó ước lượng một số địa phương thực hiện khảo sát, cách làm thế nào thì tính sau, có thể trực tuyến, trực tiếp, có thể có tổ đi khảo sát nhưng không thể đem cả đoàn đi...”- Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Một lần nữa nhấn mạnh nguyên tắc “không được làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của ngành y tế, Chủ tịch Quốc hội nói thêm: “Cái tôi lo nhất người ta nói là hình thức, không hiệu quả”.

Theo kế hoạch, phạm vi giám sát được xác định là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Thời gian giám sát từ ngày 1-1-2020 đến hết ngày 31-12- 2022, trên quy mô toàn quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm