Xây dựng thương hiệu trục cao tốc phía Đông trở thành khu vực phát triển năng động hàng đầu Việt Nam

(PLO)- Đó là mong muốn của ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi nói về việc liên kết các khu công nghiệp trong trục cao tốc phía Đông, từ đó đẩy mạnh phát triển, xây dựng thương hiệu cho khu vực này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 31-8, tại Hải Phòng, VCCI, UBND Hải Phòng phối hợp tổ chức Diễn đàn Liên kết phát triển Khu công nghiệp (KCN) trục cao tốc phía Đông. Đây là một trong chuỗi chương trình nhằm hiện thực hoá “Thoả thuận hợp tác kết nối kinh tế cao tốc phía Đông” được ký ngày 28-7-2022 của VCCI và 4 tỉnh, thành phố gồm Hưng Yên – Hải Dương – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Các đại biểu tham quan triển lãm về các KCN trục cao tốc phía Đông

Các đại biểu tham quan triển lãm về các KCN trục cao tốc phía Đông

Theo đó, 4 tỉnh, thành phố thống nhất xây dựng liên kết kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nâng cao tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và hình thành cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Tỉ lệ lấp đầy khu công nghiệp còn thấp

Thông tin tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, hiện nay, bốn địa phương thuộc trục cao tốc phía Đông hiện có 87 Khu kinh tế (KKT) và KCN.

Hải Phòng có một KKT Đình Vũ - Cát Hải và 25 KCN với tổng diện tích 12.702 ha. Hải Dương có 24 KCN tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha. Quảng Ninh 5 KKT (gồm 3 KKT cửa khẩu, 2 KKT ven biển) và 16 KCN, với tổng diện tích khoảng 388.671 ha. Hưng Yên có 17 khu công nghiệp có diện tích là 4.395,43 ha.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại diễn đàn

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại diễn đàn

Riêng lĩnh vực phát triển công nghiệp, 4 địa phương trên được đánh giá là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Ngành công nghiệp - xây dựng của các địa phương là trụ cột tăng trưởng của vùng, thu hút được các dự án đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn, quan trọng có hàm lượng công nghệ cao, giá trị xuất khẩu lớn trong lĩnh vực điện, điện tử, điện thoại di động, lắp ráp ô tô, đóng tàu, dệt may; bước đầu hình thành ngành công nghiệp phụ trợ trong các ngành này tại Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy của các KCN trong trục này hiện mới đạt khoảng 50%, thấp so với mức chung của cả nước. Dữ liệu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARs) cho thấy, tính đến hết quý I/2023, tỷ lệ lấp đầy các KCN cấp 1 trên cả nước tiếp tục xu hướng tăng, đạt mức trên 80%, trong đó khu vực phía Nam trung bình đạt 85%, dẫn đầu cả nước. Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn.

Trong khi đó, Hải Dương dù đã thu hút được 348 dự án (tính đến 30-6-2023) nhưng mới đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 51%. Hải Phòng có tỉ lệ lấp đầy cao nhất trục cao tốc với tỷ lệ trên 60% với tỷ suất đầu tư trung bình đạt 9 triệu USD/ha. Quảng Ninh với 8 KCN đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy mới dừng ở con số 43% - thấp hơn so với bình quân cả nước, Hưng Yên có 261 dự án đầu tư vào các KCN với vốn đầu tư đạt 4.434 triệu USD, tuy vậy tỉ lệ lấp đầy trong các KCN Hưng Yên với đạt 47,8%...

Cần thiết có một bộ luật về KCN, KKT

Tại diễn đàn, một số chuyên gia như GS Hà Tôn Vinh; TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam; TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích về thực trạng, cũng như định hướng quy hoạch KCN tại các địa phương cao tốc phía Đông để mở rộng không gian phát triển.

Các chuyên gia cũng chỉ ra những yêu cầu, thách thức đặt ra trong phát triển KCN hiện nay như: quá tải về cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, từ đó đòi hỏi sự thay đổi tư duy, tiếp cận mô hình sinh thái, đổi mới sáng tạo của các KCN trong bối cảnh chuyển đổi số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững... cũng như đưa ra một số giải pháp để kết nối, phát triển KCN trong trục.

“Cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong trách nhiệm quản lý, đầu tư giữa các bộ, ngành, địa phương về loại hình KCN, KKT, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, giữa các ban quản lý và địa phương trong việc đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho lực lượng lao động. Hoàn thiện các quy định phân công thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ để đảm bảo công tác điều hành quản lý khu công nghiệp thông suốt, hiệu quả.” – TS Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Không chỉ các chuyên gia kinh tế, tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý KKT, KCN của 4 tỉnh, thành phố trong trục cao tốc phía Đông cũng đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị để tăng tính liên kết của các KKT, KCN.

Trưởng ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên cho rằng, các địa phương cần sớm đề xuất với các cơ quan chức năng xây dựng và ban hành Luật về khu công nghiệp, khu kinh tế để tạo hành lang pháp lý cho việc thành lập và phát triển các KCN, KKT. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển các KCN, KKT để đảm bảo sự liên kết, sự kết nối phát triển chung cho cả 4 tỉnh.

Trưởng ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên nêu ý kiến tại diễn đàn

Trưởng ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên nêu ý kiến tại diễn đàn

Phân tích về việc cần có luật riêng cho KCN, KKT, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương Nguyễn Trung Kiên cho rằng: Hiện, Hải Phòng sẽ áp dụng khác với Hưng Yên, ngay trong tổ chức cũng vậy, phân công, phân cấp về các lĩnh vực, như: xây dựng, môi trường hoặc lao động…

“Do vậy, chúng tôi mong muốn có luật KKT, Khu chế xuất, KCN riêng. Đồng thời, tiếp tục tham mưu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng thể chế liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liên kết trục cao tốc phía Đông trong Đề án thể chế liên kết vùng ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành” – ông Kiên nói…

Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đồng tình với các giải pháp được đưa ra ở diễn đàn. Ông Công nhấn mạnh, phải quyết tâm, liên kết nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ trong khu công nghiệp, hình thành Trung tâm Logistics liên kết với nhau, để xây dựng thương hiệu trục cao tốc phía Đông là khu vực phát triển năng động hàng đầu Việt Nam, có môi trường kinh doanh thuận lợi.

“VCCI cam kết sẽ sát cánh cùng các tỉnh thành, các UBND bốn địa phương thực hiện mong muốn này và ngay trong tháng 9, Hội đồng Kết nối kinh tế sẽ có kế hoạch hoạt động, để thúc đẩy kinh tế ngày càng thực chất, hiệu quả giữa bốn địa phương. Đồng thời, Hội đồng doanh nghiệp trục cao tốc phía Đông sẽ chính thức thành lập, để kết nối doanh nghiệp trong bốn địa phương thực hiện các chủ trương phát triển” – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm