Theo ông Dương Hữu Hòa, giám đốc ban quản lý dự án tuyến metro số 1 (Ban 1), đoạn đi ngầm nêu trên sẽ là hai đường hầm đi ngầm song song (hầm phía Đông và hầm phía Tây) từ ga Ba Son đi phía dưới của đường Nguyễn Siêu. Khi đến gần giao lộ với đường Thái Văn Lung thì hai đường hầm này "vặn vỏ đỗ", chuyển sang đi theo dạng đường hầm phía trên, đường hầm phía dưới. Cả hai đi ngang nhà hát TP, phía dưới đường công trường Lam Sơn ra giáp đến đường Đồng Khởi, vị trí tiếp giáp với ga nhà hát TP.
"Sở dĩ hai đường hầm phải đi "vặn vẹo" như vậy nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, kiến trúc ở bên trên, trong đó có nhà hát TTP hơn 100 năm tuổi khỏi bị ảnh hưởng, tác động..." - ông Hòa cho biết.
Hình ảnh 3 D đường, thế đi của hai hầm đoạn metro từ ga Ba Son đến ga nhà hát TP
Cũng theo ông Hòa, đến nay các thiết bị quan trắc hiện tượng lún sụt, chuyển vị của các công trình xây dựng, kiến trúc, nhà dân dọc theo đoạn metro đào ngầm đã được lắp đặt.
"Bất cứ sự cố nào cũng được theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời và nếu trong trường hợp có thiệt hại thì sẽ được đánh giá chính xác, đền bù kịp thời cho các chủ sở hữu công trình!" - ông Hòa nói.
Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị, đến nay giữa ban và Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco - chủ đầu tư) đã có bàn bạc, phối hợp để khi Bến xe Miền Đông mới hoàn thành, dời chuyển ra thì sẽ kết nối với tuyến metro số 1 tại ga Suối Tiên. Việc nối kết này nhằm vận chuyển khách liên thông giữa các loại hình liên tỉnh, buýt và metro.
Nơi ga Suối Tiên hiện đang xây dựng sẽ là điểm nối kết giữa metro số 1 với Bến xe Miền Đông mới
Tại cuộc họp báo, Ban quản lý đường sắt đô thị cũng thông tin về dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có tổng chiều dài hơn 11 km, trong đó có 9,09 km đi ngầm. Báo giới nêu vấn đề robot TBM dùng ở tuyến metro số 1 có thể đưa qua dùng tiếp ở tuyến metro số 2 không nhằm giảm kinh phí cho TP?
Robot TBM khó tái sử dụng
Ông Lê Văn Khoa, giám đốc Ban 2 cho biết robot TBM không thể tái sử dụng được vì sau sử dụng lần 1 mũi khoan cắt đã bị hao mòn. Mặt khác, phương án đào ngầm ở tuyến số 1 và số 2 là khác nhau về công nghệ, thiết bị đào nên không thể dùng chung hoặc tái sử dụng.
Ông Hoàng Như Cương, Phó Ban quản lý đường sắt đô thị, bổ sung: Robot TBM là do nhà thầu mua sắm, sử dụng, tự khấu hao từ trong giá thành thi công, xây lắp. Do đó, ban (chủ đầu tư) khó điều chuyển loại thiết bị này từ tuyến metro A sang tuyến metro B.
Tuy nhiên, theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, ban và TP khuyến khích các nhà thầu nếu tham gia tiếp vào các tuyến metro khác thì nên tái sử dụng robot TBM để tiết kiệm kinh phí cho chính nhà thầu đó và cho TP.