Trượt lý thuyết, bao lâu được thi lại bằng lái xe ô tô?

Thực tế nhu cầu học giấy phép lái xe (GPLX) ô tô hạng B1, B2, C ngày càng cao, đặc biệt sau những đồn đoán về học phí tăng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, quy chế thi bằng lái xe ô tô mới siết chặt hơn công tác cấp GPLX các hạng tương ứng so với các năm trước.

Cụ thể, theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ ngày 1-5-2020, cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị theo dõi và giám sát thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng B1).

Từ ngày 1-6-2020, bổ sung mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin trên GPLX và liên kết với hệ thống thông tin quản lý GPLX. Việc này sẽ giúp phát hiện nhanh bằng lái xe giả. Đồng thời, độ khó các câu hỏi trong đề thi lý thuyết tăng lên nhưng thời gian làm bài thi lại giảm. Bộ 450 câu hỏi lý thuyết được tăng lên thành 600 câu. Người thi chỉ cần trả lời sai 1 trong 100 câu điểm liệt, lập tức bài thi bị hủy. Vì thế, thời gian được thi lại phần thi đã trượt cũng được nhiều người quan tâm.

Sau khoảng 15-30 ngày, người thi sẽ được thi lại GPLX ô tô.

Sau khoảng 15-30 ngày, người thi sẽ được thi lại giấy phép lái xe ô tô. Ảnh: TN

Khi đăng ký học lái xe, các học viên sẽ phải trải qua 2 kỳ thi. Một là thi cấp chứng chỉ tại trường đào tạo lái xe, và hai là thi sát hạch lấy bằng lái do Sở GTVT tổ chức. Người thi phải vượt qua kỳ thi thứ nhất tại trường, được cấp chứng chỉ tốt nghiệp và đủ điều kiện sức khỏe mới được phép thi GPLX ô tô của Sở GTVT.

Bước vào kỳ thi sát hạch, người thi sẽ phải trải qua 1 bài thi lý thuyết, 11 bài thi sa hình và bài thi lái xe đường trường. Theo đó, số lần thi lại lý thuyết không giới hạn, lệ phí thi lại lý thuyết là 90.000 đồng/lần thi.

Đối với thi sa hình, nộp tiền thi lại có 2 trường hợp: Khi thi lại lần đầu thì phải nộp 300.000 đồng thi lại sa hình. Nếu đã thi lại lần 2 mà vẫn trượt thì người thi phải quay lại trung tâm nộp 580.000 đồng phí thi lại lý thuyết và thực hành.

Mỗi trường hợp trượt lý thuyết hoặc sa hình đều được thi lại cùng khóa thi tiếp theo, thời gian khoảng 15-30 ngày.

Nên học giấy phép lái xe hạng nào?

Bằng lái xe ô tô hạng B1 được cấp cho người không hành nghề lái xe, được phép lái các loại xe đến 9 chỗ ngồi số tự động, gồm cả ghế lái. Vì vậy, GPLX hạng B1 chủ yếu dành cho những người lái xe cá nhân, lái xe gia đình và không có ý định kinh doanh vận tải.

Bằng lái xe ô tô hạng B2 thường dành cho người hành nghề lái xe, được phép lái các loại xe đến 9 chỗ ngồi số sàn, gồm cả ghế lái. Các loại xe đầu kéo, xe tải chuyên dùng có thiết kế trọng tải dưới 3,5 tấn. Trong đó, học GPLX hạng B2 bạn có thể lái được các phương tiện của hạng B1 số tự động.

Bằng lái xe ô tô hạng C, chủ yếu cho người hành nghề lái xe, được phép lái các loại xe của bằng B1, B2 và các loại xe tải chuyên dùng, xe đầu kéo kéo thêm một rơmoóc có trọng tải thiết kế trên 3,5 tấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm