Xem nổ súng ở Củ Chi: Mang tính mạng ra đùa!

Những ngày sau tết, người dân TP.HCM bên cạnh nỗi lo phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp từ virus Corona thì còn thêm mối lo lắng về nghi phạm giết người ở Củ Chi đang lẩn trốn mang theo súng AK rất nguy hiểm, một đối tượng khác đang ôm lựu đạn hoặc súng cố thủ ở quận 10. 

Cho đến sáng 31-1, sau nhiều giờ vây ráp đối tượng nghi ôm lựu đạn hoặc súng cố thủ trong nhà gần một ngân hàng trên đường Lý Thái Tổ (quận 10, TP.HCM), lực lượng công an vẫn chưa bắt được nghi phạm. Do người dân theo dõi quá đông, cảnh sát phải tập trung phân luồng giải tán người dân nên đối tượng nghi ôm lựu đạn cố thủ trong nhà ở quận 10 đã trốn thoát.

Đám đông không chỉ tò mò xem đối tượng cố thủ bằng lựu đạn mà còn đi xe cả cảnh cảnh sát vây ráp đối tượng giết người nguy hiểm ở Củ Chi. Chỉ riêng vụ nổ súng ở Củ chi đã có đến bốn người chết và một người bị thương. Sau hai ngày vây bắt, lực lượng công an vẫn chưa bắt được nghi phạm. Hôm qua đến nay, trên các mặt báo lại xuất hiện hình ảnh dòng người đổ xô, chen nhau đến xem vụ việc nổ súng này. Một người đàn ông tên Nguyễn Văn Tài cùng vợ chạy xe hơn 25 km từ xã Tân Phú Trung (Củ Chi) đến hiện trường vụ nổ súng chỉ để xem tận mắt việc vây bắt nghi can.

Bất chấp nguy hiểm, người dân đổ xô đến hiện trường vụ nổ súng ở Củ Chi để  được xem tận mắt cảnh vây bắt nghi phạm. Ảnh: PHAN YÊN

Anh Tài còn nói rất hồn nhiên: “Mình xem trên mạng xã hội thấy không đã nên đến hiện trường xem trực tiếp luôn. Mình rủ cả con mà chúng nó lười không đi”.

Không hiểu được cái “đã” của anh Tài là gì khi đẩy tính mạng của cả gia đình anh vào nơi nguy hiểm.

Đáng nói, vợ chồng anh Tài cũng chỉ là một đại diện cho rất đông người tìm đến vụ nổ súng ở Củ Chi. Những nhóm thanh niên có mặt từ sáng sớm, khi lực lượng công an tiến hành vây bắt và họ ở lại tới tận đêm, bỏ cả công ăn việc làm. Những thanh niên ấy đang đùa giỡn với tính mạng của bản thân và người khác chỉ vì ham muốn tai hại là được xem tận mắt cảnh tượng truy bắt tội phạm mà họ cho rằng là hiếm thấy. Cũng chính những thanh niên này đã gây thêm khó khăn cho lực lượng chức năng. 

Từ khi nào, dân ta lại có thói quen tìm đến những nơi nguy hiểm như một chốn tham quan du lịch?

Năm 2019, nhiều báo đài đã đưa tin về sự việc nhiều người dân, du khách tìm đến các quán cà phê đường tàu trên các con đường Trần Phú, Điện Biên Phủ, Phùng Hưng tại Hà Nội để chụp ảnh, livestream. Thậm chí khi xe lửa sắp chạy qua, nhiều người vẫn thản nhiên tạo dáng để có được những tấm ảnh “xuất thần” đăng trên Facebook, Zalo… như một chiến tích. Sau khi những quán cà phê đường tàu được chính quyền Hà Nội yêu cầu đóng của, người dân lại rủ nhau đến check in tại cầu Long Biên. Nhiều người bất chấp nguy hiểm leo sang phần đường dành cho xe lửa trên cầu để chụp ảnh.

Lực lượng công an vây ráp, truy bắt nghi phạm. Ảnh: PHAN YÊN

Cũng trên cầu Long Biên, vào năm 2017 đã có hàng trăm người dân hiếu kỳ đổ xô lên cầu để xem lực lượng chức năng rà vớt quả bom dưới trụ cầu.

Cũng trong năm 2017, khi nghe tin thủy điện Hòa Bình mở tám cửa xả đáy cũng đã có hàng trăm người vây quanh các cửa đập để ghi lại khoảnh khắc xả lũ hoành tráng mà lướt qua tấm biển “Khu vực xả lũ nguy hiểm. CẤM VÀO!”...

Dường như người ta thích tìm đến những nơi nguy hiểm để thỏa mãn sự tò mò của bản thân hoặc chứng tỏ lòng dũng cảm của mình.

Việc này ngày càng có xu hướng gia tăng khi mạng xã hội phát triển. Ở đó những cá nhân thích sống ảo luôn có đất để khoe mình. Nhưng liệu họ có nhận được sự nổi tiếng hay tai tiếng và đôi khi đánh mất cả tính mạng.

Thiết nghĩ thay vì lao đến những nơi có thể gây nguy hiểm cho mình và người khác thì chỉ cần ngồi im ở nhà. Đặc biệt là chúng ta đang đứng trước đại dịch Corona, mỗi công dân cần ý thức rằng mình không nên đến nơi đông người.

Mỗi người chúng ta, hãy cùng nhau làm giảm tác hại chứ đừng góp phần làm tăng nguy cơ!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm