Ngày 17-9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến dự thảo nghị quyết của QH về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Người đã chết vẫn còn nợ thuế
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao. Cụ thể, tính đến ngày 31-12-2018, tổng số tiền thuế nợ là trên 81.600 tỉ đồng, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là trên 41.000 tỉ đồng (chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ).
Theo ông Dũng, tình hình trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, như hơn 2.600 người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; hơn 24.000 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định. Ngoài ra, có hơn 200 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản, hơn 730.000 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc không còn hoạt động…
Người đứng đầu Bộ Tài chính dẫn Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Tuy nhiên, do người nộp thuế đã chết, mất tích hoặc tự giải thể, phá sản, thực tế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế, không còn khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian.
Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cơ quan quản lý thuế đã tính và quản lý của các đối tượng nêu trên đến ngày 31-12-2018 là hơn 11.800 tỉ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi. “Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH cho phép xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của các đối tượng được khoanh nợ nêu trên” - bộ trưởng Tài chính nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Lo ngại chính sách dễ bị lợi dụng
Trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết. Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ rà soát việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các đối tượng không tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Cạnh đó, ông Hải cũng đề nghị cân nhắc, làm rõ việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước. Theo ông, doanh nghiệp nhà nước là pháp nhân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. “Việc khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế cần được xử lý trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp” - ông Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chính phủ cần rà soát, báo cáo rõ việc xử lý tiền thuế nợ đối với các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… Theo đó, sẽ khoanh nợ, xóa nợ đối với các trường hợp cụ thể nào liên quan đến đất đai.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lo ngại quy định như dự thảo nghị quyết sẽ “dễ bị lợi dụng”. Với con số hơn 24.000 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định, ông băn khoăn những trường hợp này cơ quan thuế đã tới chính quyền địa phương xác nhận thông tin không hoạt động hay chưa? Liệu có xảy ra chuyện họ không ở địa chỉ này nhưng lại đang kinh doanh ở địa chỉ khác hay không?
Ông Thanh cũng nhắc tới khả năng “doanh nghiệp mượn danh, núp bóng để lập doanh nghiệp nhưng thực tế chỉ mua bán hóa đơn…” và đề nghị làm rõ cơ chế, chính sách để xóa nợ thuế, tránh việc chính sách đưa ra bị lợi dụng.
“Với số tiền một tỉ đồng thôi, chúng ta đã có được 20 căn nhà tình nghĩa rồi” - Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói và cũng đề nghị rà soát chặt chẽ để tránh bị lạm dụng chính sách này. Bà Hải cũng nêu hàng loạt câu hỏi, đặc biệt là trách nhiệm của người thu thuế như thế nào? Đã xử lý được cán bộ nào, cơ quan nào liên quan đến trách nhiệm đôn đốc nộp thuế này chưa?
Quốc hội sẽ xem xét
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay những năm gần đây, việc thu hồi nợ đọng thuế luôn đạt mức năm sau cao hơn năm trước, tăng bình quân 14%/năm.
“Có thể nói trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế rất quyết liệt và có kết quả cụ thể” - ông Dũng nhấn mạnh. Đặc biệt, theo ông, khi ngân sách khó khăn, đây là một trong những trọng điểm mà Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo đột phá để đảm bảo dự toán, đảm bảo thu ngân sách.
Tuy nhiên, bộ trưởng Tài chính thiết tha đề nghị Ủy ban Thường vụ QH cho tiếp tục hoàn chỉnh nghị quyết, tiếp thu ý kiến để trình ra QH tại kỳ họp tới.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết Ủy ban Thường vụ QH đồng ý trình nội dung xóa nợ thuế để QH xem xét tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019). Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các đối tượng liên quan đến tình trạng để nợ thuế thời gian qua.
760.000 người được xem xét xóa nợ thuế Dự kiến có gần 760.000 người nộp thuế thuộc đối tượng xóa nợ với số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đề nghị xóa là hơn 10.500 tỉ đồng. Trong đó, doanh nghiệp, tổ chức là hơn 222.000 người với số tiền là hơn 9.600 tỉ đồng; cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh gần 540.000 người với số tiền hơn 900 tỉ đồng. Các đối tượng điển hình trong nhóm bảy đối tượng gồm: - Người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự là hơn 2.600 người với số tiền đề nghị xóa 174 tỉ đồng. - Người nộp thuế tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định là hơn 24.000 người với số tiền đề nghị xóa 869 tỉ đồng. - Người nộp thuế mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản là 216 người với số tiền đề nghị xóa 158 tỉ đồng. - Người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh không hoạt động… là hơn 731.000 người với số tiền đề nghị xóa hơn 9.300 tỉ đồng. Ngoài ra còn các đối tượng là người bị ảnh hưởng thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác… Việc xóa nợ thuế nếu được thông qua sẽ thi hành kể từ ngày 1-1-2020 và được thực hiện trong thời hạn ba năm. |