Bộ GTVT vừa gửi Quốc hội báo cáo tình hình thực hiện dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Theo đó, dự án đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (Cà Mau) được khởi công xây dựng năm 2000; quy mô tối thiểu hai làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km (không bao gồm các đoạn đi trùng đã và đang được đầu tư bằng các dự án khác). Đến nay dự án hoàn thành 2.180 km/2.744 km đạt 79% và khoảng 258 km tuyến nhánh, đang triển khai đầu tư 275 km.
Dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã hoàn thành và đi vào khai thác. Ảnh: Internet
Điểm đáng chú ý là dự án còn 289 km chưa bố trí được vốn (khoảng 28.400 tỉ đồng) để triển khai thực hiện. Trong đó, đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn; Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận. Theo nghị quyết của Quốc hội triển khai bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tuy nhiên đến nay chưa được bố trí vốn.
Đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến dự kiến thực hiện theo hình thức BOT. Tuy nhiên, do phương án đầu tư theo hình thức BOT không khả thi về phương án tài chính nên đang nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư phù hợp. Riêng đoạn Chơn Thành - Đức Hòa do khó khăn về nguồn vốn, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chuyển đổi sang đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT với quy mô đường cao tốc bốn làn xe, hiện triển khai công tác lập báo cáo tiền khả thi.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn cho Bộ GTVT để triển khai các dự án. Đặc biệt, chỉ đạo về phương án huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện các đoạn Chơn Thành - Đức Hòa và đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến.
“Do nguồn lực đầu tư hết sức hạn hẹp nên kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép giãn tiến độ hoàn thành nối thông toàn tuyến quy mô tối thiểu hai làn xe đến sau năm 2020…” - Bộ GTVT kiến nghị.
Dự án triển khai hai giai đoạn Tổng nguồn vốn để nối thông toàn tuyến dự án đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2) là 104.106 tỉ đồng. Trong đó đã xác định được nguồn là 75.659 tỉ đồng, gồm vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ là 35.507 tỉ đồng, vốn huy động đầu tư theo hình thức BOT là 7.103 tỉ đồng, vốn huy động đầu tư theo hình thức BT là 11.485 tỉ đồng, vốn huy động vay ODA là 21.564 tỉ đồng. Dự án được đầu tư theo hai giai đoạn, đến năm 2020 hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến với quy mô hai làn xe. Sau năm 2020, nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. |