Xin thôi đùn đẩy trách nhiệm bồi thường!

Tuy nhiên, đây là cách đùn đẩy trách nhiệm chứ thực ra luật đã quy định sờ sờ ra đó.

Số là sau khi Tòa án huyện Châu Thành kết án, cấp phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Tuy nhiên, sau đó cơ quan điều tra “bỏ quên” không tiến hành điều tra. Đến hơn 20 năm sau, khi thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết mới phát hiện nên phải đình chỉ và đặt vấn đề bồi thường cho ông Lá.

Ai cũng biết “lỗi” này là của cơ quan điều tra chứ không phải của Tòa án huyện Châu Thành. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì cơ quan nào thay mặt Nhà nước đứng ra bồi thường cho người bị oan không phụ thuộc vào việc cơ quan đó có lỗi hay không và cơ quan nào đứng ra bồi thường cũng là thay mặt Nhà nước.

Về vụ ông Lá, theo điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, TAND huyện Châu Thành khi xét xử sơ thẩm đã kết án ông Lá có tội nhưng tòa cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại và sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án thì Tòa án huyện Châu Thành phải đứng ra bồi thường.

Thực tế do nhận thức chưa đầy đủ về tính chất, mục đích của việc bồi thường cho người bị oan nên các cơ quan tiến hành tố tụng thường “né”, sợ mất thành tích của đơn vị mình và còn mang nặng tư tưởng “ai có lỗi thì người đó phải bồi thường”. Đành rằng có lỗi thì phải kiểm điểm, phải quy trách nhiệm, phải xem xét xử lý theo pháp luật nhưng đó là quan hệ nội bộ trong cơ quan nhà nước với nhau, còn việc bồi thường cho người bị oan là quan hệ giữa một bên là Nhà nước với một bên là công dân.

Không nên đặt vấn đề “trước mắt các cơ quan tố tụng phải thống nhất cử ra một cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại ngay cho người bị oan, còn trách nhiệm thì nội bộ tính sau”, mà phải khẳng định rằng: Tòa án huyện Châu Thành đứng ra bồi thường cho ông Lá, còn việc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cơ quan điều tra huyện Châu Thành sẽ giải quyết sau. Trong trường hợp này, đừng gắn việc thi đua vào trách nhiệm bồi thường để người bị oan phải chịu thiệt.

Cũng không nên đặt vấn đề Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã không lường trước được tình huống cơ quan điều tra “quên” dẫn đến hết thời hạn điều tra... từ đó dẫn dến những tranh cãi vô bổ, những cách hiểu chưa thống nhất về mặt pháp lý. Ai có lỗi trong việc “để quên”, đó là chuyện nội bộ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và vì đã lường trước các tình huống nên Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mới quy định cơ quan nào phải đứng ra bồi thường cho người bị oan, còn nội bộ các cơ quan tiến hành tố tụng là quan hệ khác, người dân không cần biết.

Trước đây TAND Tối cao đã gặp nhiều trường hợp tương tự trường hợp của ông Lá và cách ứng xử của TAND Tối cao rất tích cực. Theo đó sau khi nhận được công văn của tòa án địa phương, nếu xác định trách nhiệm bồi thường là của VKS hoặc cơ quan điều tra thì tòa sẽ lập tức tổ chức cuộc họp liên ngành để giải quyết vụ việc. Nếu TAND Tối cao xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về tòa án thì sẽ ra công văn, yêu cầu tòa án địa phương có người bị oan phải có trách nhiệm bồi thường, tổ chức thương lượng với người bị oan. Sau khi gửi công văn đi, TAND Tối cao còn gọi điện thoại nhắc nhở, yêu cầu báo cáo kết quả về TAND Tối cao. Cách làm này đã đem lại hiệu quả và người bị oan cảm thấy ấm lòng.

Trong vụ ông Lá, không rõ Tòa án huyện Châu Thành có công văn lên Tòa án Tối cao chưa?

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm