Đáng chú ý, trong kết luận này Thường trực Chính phủ đề xuất xin ý kiến Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo hợp tác liên Chính phủ hoặc kêu gọi đầu tư từ các nước và đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp… để nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các dự án phát triển đường sắt tốc độ cao, cao tốc.
Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT đề xuất đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ chở khách, có tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ.
Tổng mức đầu tư dự án ước khoảng 58,71 tỉ USD, trong đó vốn nhà nước chiếm 80%, vốn tư nhân khoảng 20% tổng mức đầu tư. Đường sắt hiện hữu cải tạo để chở hàng.
Phương án dự kiến đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. |
Trong khi đó, kịch bản của tư vấn dự án được Hội đồng thẩm định Nhà nước mời thẩm tra lại đề xuất, tốc độ thiết kế tối đa tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chỉ 250 km/giờ để vừa chở khách và vừa chở hàng. Đường sắt hiện hữu được nâng cấp để chở khách liên vùng và tàu hàng container.
Tổng mức đầu tư dự án là 61,67 tỉ USD, tương đương trên 1,4 triệu tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước gần 53 tỉ USD, gồm vốn đấu giá đất tại 50 nhà ga (gần 39 tỉ USD) vốn đầu tư công (hơn 13 tỉ USD). Vốn tư nhân trên 9 tỉ USD (chiếm hơn 14% tổng mức đầu tư) để đầu tư toa xe, xây dựng sáu nhà ga chính cao 10 tầng.
Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước. Song song, thực hiện kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt, Bộ GTVT tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như Châu Âu, Trung Quốc để cập nhật, bổ sung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Để có đầy đủ cơ sở khoa học và khách quan, Bộ GTVT cũng sẽ huy động tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để nghiên cứu, hoàn thiện làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2025.