Đó chính là sự quan tâm, thương yêu học trò của mình bằng tình yêu thương và trách nhiệm chứ không phải là vì căn bệnh thành tích mãn tính trầm kha, để kết quả cuối cùng là làm sao cho học trò của mình có được nền tảng kiến thức căn bản và gặt hái được những kết quả tốt đẹp nhất.
Câu chuyện một học sinh đang học lớp 6 ở trường THCS Hồng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình gần như là không biết đọc, chỉ biết viết tên mình có thể thấy là câu chuyện hoàn toàn không mới và không hiếm hiện nay.
Không phải thầy cô trường lớp nào cũng vì căn bệnh thành tích trong giáo dục mà cho học trò của mình được lên lớp trong khi học lực của các em quá yếu. Ảnh minh họa: AI
Trước đây báo chí cũng đã từng đưa một số thông tin, câu chuyện, nhiều học sinh đang học lớp 4, lớp 5 tại một địa phương nhưng đọc không thông thạo, không biết làm phép tính nhân chia cơ bản nhất, thậm chí là không biết đọc nhưng hàng năm vẫn được nhà trường, giáo viên chủ nhiệm "xét duyệt" lên lớp.
Có thể thấy, việc một số em học sinh học lớp 5, lớp 6 tại một số địa phương không biết đọc, chỉ biết viết được tên mình nhưng hàng năm vẫn được cho lên lớp có thể nói là xuất phát từ căn bệnh mãn tính, trầm kha trong giáo dục và đào tạo từ bao nhiêu năm qua. Vì mong muốn các em, lớp đạt được thành tích cao nhất, không có em nào phải ở lại lớp (hoặc vì lý do nào đó, có thể là vì "thương" học trò, không nỡ để cho các em ở lại lớp hay vì sự “năn nỉ” của phụ huynh) mà những em học sinh này dù học lực yếu kém, đọc viết không thành thạo hàng năm vẫn lên lớp đều đều.
Thế nhưng trong thực tế và trong công tác giảng dạy, không phải thầy cô trường lớp nào cũng vì căn bệnh thành tích mãn tính trầm kha mà cho học trò của mình được lên lớp trong khi học lực của các em quá yếu.
Tôi nhớ, cách đây mấy năm, đứa cháu con người em tôi ở Quảng Ngãi, đang học lớp một tại một trương tiểu học ở TP Quảng Ngãi. Trong kỳ họp phụ huynh cuối năm, cô giáo chủ nhiệm của cháu có gặp riêng em tôi trò chuyện và bảo cháu tôi có học lực yếu nhất lớp. Mặc dù được cô quan tâm, kèm cặp nhưng cháu vẫn chưa đọc và viết thành thạo. Cô bảo với em, nếu để cho cháu lên lớp 2 thì cô cảm thấy rất ấy náy và lo lắng, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp của cô không cho phép, cháu sẽ "bơi" theo không kịp bạn bè, từ đó dẫn đến tình trạng cháu có thể mất đi nền tảng, kiến thức cơ bản. Vì vậy cô giáo chủ nhiệm đã khuyên em tôi nên cho cháu ở lại một năm của lớp 1 để cô tiếp tục kèm cặp, để cháu có thể tiếp tục nắm rỏ mặt chữ, đọc và viết thành thạo, lúc đó cũng chưa muộn.
Trước lời khuyên và góp ý chân tình của cô giáo chủ nhiệm, em tôi đã quyết định cho con ở lại năm lớp 1. Ở lại một năm học lớp 1, nhờ sự dìu dắt, kèm cặp của cô cháu đã đọc, viết rất thành thạo. Hiện nay cháu đã học lớp 4 và thật sự rất bất ngờ vì cháu là một trong những học sinh có sức học khá giỏi nhất trong lớp.
Từ câu chuyện của chính người cháu của tôi đang học ở quê nhà và từ câu chuyện cũng như trách nhiệm của chính cô giáo chủ nhiệm của cháu tôi, tôi nghĩ nếu trường lớp nào, thầy cô chủ nhiệm nào cũng như cô giáo chủ nhiệm của cháu tôi, chắc chắn sẽ không còn những câu chuyện “đau lòng”, học sinh học lớp 5, lớp 6 mà không biết đọc, biết viết, không biết làm những phép tính cộng, trừ, nhân, chia cơ bản nhất.
Tôi nghĩ, đó chính là đạo đức, lương tâm và trách nhiệm của những người thầy trong công tác, công cuộc giáo dục, đào tạo và “đưa đò” đối với học trò của mình. Sự quan tâm, thương yêu học trò của mình bằng tình yêu thương và trách nhiệm chứ không phải là vì căn bệnh thành tích mãn tính trầm kha, để kết quả cuối cùng là làm sao cho học trò của mình có được nền tảng kiến thức căn bản và gặt hái được những kết quả tốt đẹp nhất.