Hôm nay, 10-10, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo kết quả kiểm tra thì năm 2023, giá thành sản xuất kinh doanh điện là 2.088,90 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán điện thương phẩm bình quân là 1.953,57 đồng/kWh.
Giá bán điện không bù đắp chi phí gây nhiều hệ lụy
Tại toạ đàm "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều cùng ngày, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu, đánh giá việc giá bán điện thấp hơn giá thành sản xuất, giá thành phân phối là một bất cập.
“Nếu như giá bán điện thấp hơn giá sản xuất và nhà sản xuất vẫn bán bằng chi phí sản xuất thì thiệt hại dồn lên nhà phân phối. Như vậy, không công bằng đối với nhà phân phối…
Trong nỗ lực của nhà phân phối nhằm giảm giá mua điện thì lại ảnh hưởng đến nhà sản xuất điện và về lâu dài, không thúc đẩy sản xuất điện, ảnh hưởng đến an ninh, ổn định cung ứng điện. Thực tiễn thời gian qua, có thời điểm, không ổn định nguồn cung điện thì thiệt hại chung cho nền kinh tế, cho người dân, doanh nghiệp” - ông Hiếu chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, cũng đánh giá với số liệu mà Bộ Công Thương vừa công bố tức là giá thành điện đã cao hơn giá bán điện bình quân là 6,92%. Đây là tình trạng mua cao, bán thấp. Tức là đầu vào thì theo thị trường nhưng đầu ra thì không đủ theo các chi phí mà đã tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất kinh doanh điện.
Do vậy, cùng quan điểm với ông Hiếu, ông Thoả cho rằng điều này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện và cho các ngành sử dụng điện và cho cả nền kinh tế.
Giải pháp nào cho giá điện?
Vậy giải quyết bài toán này thế nào? Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đã yêu cầu áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, trong đó có giá điện.
Vấn đề nữa là phải xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm cho giá điện minh bạch theo cơ chế thị trường. Quy định của Chính phủ cũng nêu rõ khi giá đầu vào thay đổi bao nhiêu thì giá điện được phép điều chỉnh tương ứng. Và việc tính đúng, tính đủ thì không phải EVN tính bao nhiêu cũng được mà có cơ chế, quy định của Nhà nước.
“Ngoài việc bảo đảm tính đúng, tính đủ và Nhà nước điều tiết bằng các biện pháp gián tiếp, bằng công cụ thị trường thì giá điện cũng phải tách bạch phần chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo ra khỏi chính sách giá điện, và giải quyết bằng chính sách khác như hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo thì bảo đảm giá điện sẽ minh bạch hơn” - ông Thoả nêu quan điểm.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho biết chúng ta thấy rõ nỗ lực rất lớn của Chính phủ là làm sao cố gắng thông qua các doanh nghiệp chủ chốt có vai trò hỗ trợ điều hành như EVN và PVN để đạt các mục tiêu về an sinh xã hội, ổn định chi phí. Vì điện năng là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo chi phí sản xuất ở mức độ phù hợp cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì một cơ chế giá bán điện có sự trợ giá, bù lỗ thì EVN sẽ không có đủ nguồn lực đầu tư các dự án lớn.
Từ phía Bộ Công Thương, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu, cũng nhìn nhận việc giá bán điện chưa theo kịp giá thành sản xuất điện đã khiến ngành điện không có nguồn lực để đầu tư, phát triển.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 05 về "Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân". Trong đó quy định cơ chế điều chỉnh giá có lên, có xuống, có tăng, có giảm và thời hạn điều chỉnh trong 3 tháng. Như vậy tạo điều kiện cho việc điều chỉnh giá điện tiệm cận với sự thay đổi có yếu tố đầu vào, phản ánh sát với biến động chi phí.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ để trình Quốc hội dự án Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó sửa đổi căn bản Luật Điện lực hiện hành, có nhiều cơ chế nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành điện.