Chưa nói đến nhiều hẻm ở mấy quận vùng ven như Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, quận 9, quận 4, quận 8… ngoằn ngoèo như ruột gà, ruột vịt. Nếu nối hết những con hẻm lớn nhỏ trong TP với nhau, ít ra cũng dài cỡ TP.HCM ra Hà Nội! Và chắc không ai dám nhận mình thuộc hết những con hẻm ở TP này.
Những năm gần đây TP phát triển chóng mặt, nhiều hẻm được mở rộng. Có những con hẻm ở quận 4, quận 9 còn nâng cấp thành đường mang những con số nhưng mỗi nơi một cách. Như ở quận 4, người ta cho con đường mới nâng cấp từ hẻm thành đường số, còn ở quận 9, đường mới nâng cấp từ hẻm nhỏ - cả các con hẻm lớn - nay được mang tên đường gắn với số hẻm của đường chính, ví dụ đường 79 Đỗ Xuân Hợp, đường 32 Lê Văn Việt. Nhưng cùng một con đường Nguyễn Duy Trinh, mấy con hẻm phía quận 2 thì gọi hẻm số, khi qua cầu Xây Dựng thuộc quận 9 lại mang tên đường số gắn với tên Nguyễn Duy Trinh.
Hẻm nhỏ Sài Gòn-TP.HCM từ bao đời nay là nơi sinh sống của những người nghèo, người có thu nhập thấp hoặc trung lưu. Họ là những viên chức nhỏ, buôn bán nhỏ hoặc lao động tay chân. Vì vậy mà tình nghĩa xóm giềng trong hẻm nhỏ rất thân thiện, sẵn sàng tương trợ nhau khi tối lửa tắt đèn. Đôi khi họ cũng có những tranh chấp, bất đồng, cãi vã, thậm chí gây gổ nhau chỉ vì những lý do vụn vặt, nhưng khi nhà nào gặp chuyện khó khăn, tai nạn, ốm đau, tang ma… thì không ai bảo ai, bà con từ đầu hẻm tới cuối hẻm - kể cả người vừa gây gổ hôm trước - cùng xắn tay áo nhào vào giúp đỡ, lo liệu.
Nói đến hẻm mà không nhắc tiếng rao hàng là thiếu sót lớn. Nhất là ở những con hẻm nhỏ, hầu như tiếng rao hàng vang vọng suốt ngày. Từ sớm tinh mơ, những tiếng rao hàng ăn lanh lảnh cất lên: bánh mì, bắp luộc, đậu hũ, cháo sườn... Tiếng rao mua đồ cũ, máy hư, báo cũ… thì ra rả cả ngày, bất kể giờ giấc. Rồi tiếng rao bánh giò, bánh chưng giữa đêm khuya.
Bây giờ, hầu hết tiếng rao hàng được thu sẵn rồi phát inh ỏi bất kể giờ giấc, nhiều khi như “tra tấn” bà con trong hẻm “đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi”. Tôi lại nhớ những tiếng rao hàng ngày xưa, thuở người ta chưa bị “điện khí hóa” với những tiếng rao vô cảm. Nhớ những đêm mưa nghe tiếng rao “Ai hột vịt lộn… hôn?” ngọt lịm, hoặc tiếng rao “Bánh chưng, bánh giò, bánh gai đây…!” nghe buồn buồn nhưng rất dễ thương. Cả tiếng rao mua đồng nát ve chai của mấy chú người Hoa thuở xưa vang từ ngõ trên xóm dưới ngọng nghịu: “Ai có dza-dzô cũ, lồng hồ cũ, dzăng dzàng pể pán hôn?” (Ai có radio cũ, đồng hồ cũ, răng vàng bể bán không?).
Nếu hỏi ai đã từng sống trong những con hẻm nhỏ Sài Gòn-TP.HCMxưa nay, nhưng vì lý do nào đó đã phải rời xa, rằng họ nhớ gì nhất? Câu trả lời có lẽ là tình nghĩa xóm giềng, chia ngọt sẻ bùi của người TP này trong những con hẻm nhỏ. Và cả những tiếng rao hàng bằng giọng thật lanh lảnh trong buổi xế trưa hoặc giọng buồn buồn lẫn trong tiếng mưa đêm tí tách.