Có lẽ đó chẳng là thông tin làm người viết thú vị gì bởi đã nhiều quyển tản văn viết về TP.HCM ra đời. Nhưng rồi từ câu chuyện nhỏ, từng kỷ niệm, từng cảm xúc… nơi đây khiến người đọc khó rời.
Trong từng trang sách của tác giả Vũ Minh Đức, người đọc sẽ không thấy sự khó chịu bởi câu chữ gắng gượng hay gồng mình. Tất cả là những trải nghiệm cá nhân của tác giả dễ dàng đi vào lòng người đọc bởi ai cũng thấy mình trong đó.
Không ở đâu khác TP có đa dạng tiếng nói vùng miền, vô cùng các kiểu cảm xúc dù trời chỉ có mưa hoặc nắng. Có ai từng ngồi lê la cà phê TP hết góc quán này đến góc quán khác, chỗ này là câu chuyện lòng, chỗ kia là câu chuyện tình, chỗ nọ là câu chuyện cùng cậu bé ăn xin… Tác giả Vũ Minh Đức đã viết về TP với những điều giản đơn như thế.
Là một bác sĩ, một ông bố, một người quê ở Biên Hòa lên TP trọ học rồi đi làm để sau khi rời trường học, cùng đua vào cuộc sống, có lúc sẽ giật mình nhìn lại và thấy nhớ TP ngay chính khi ở giữa lòng của nó. Đó là những tiếng rao lảnh lót thuở xưa của “Chưng, gai, bánh giò…”, “Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ” hay tiếng lóc cóc của những tô mì gõ hai lát thịt mỏng thín. Nhớ tiếng rao hay cách khác là nhớ chính ký ức của mình, của tuổi trẻ không bao giờ trở lại như tác giả viết: “Những tiếng rao tựa như cái đồng hồ. Đại loại như bà bán cháo sườn là 8 giờ sáng. Bà bán tàu hủ nghĩa là 10 giờ. Ông bánh giò là 11 giờ khuya. Những cái đồng hồ có một không hai - chạy lon ton theo nhịp sống Sài Gòn bề bộn. Kim giờ, kim phút, kim giây là những chiếc căm xe đạp, mặt đồng hồ là cái nắp nồi. Cứ thế mà trôi”.
Tuổi trẻ đã trôi qua kẽ tay thì cuộc sống ở TP vẫn còn đó những lo toan thường nhật. Ở TP ít ai dám khuyên ai bởi mỗi cuộc đời, mỗi số phận là mỗi chọn lựa. Thế nhưng những câu chuyện với con gái của tác giả đôi khi sẽ giúp người đọc học thêm cách làm giàu tâm hồn cho con trẻ. Như chuyện chở con ra đường thì hãy thương cả người dưng. “Thôi đừng nổi nóng, cáu gắt làm gì khi thấy một người phụ nữ nào đó tay lái lảo đảo, ngoặt ngoẹo, thậm chí đang choán cả mũi xe đang chạy ngon trớn của mình. Ba nghĩ thế này: Lỡ như bà của con, mẹ của con hay là hai đứa con chạy xe ngoài đường, cũng sẽ có lúc bị chao đảo như vậy, mà bị người ngoài mắng thì ba đau lòng lắm… Dù là người dưng.”
Sài Gòn chữ vội trên vai, tựa sách là vội nhưng tác giả không vội, người đọc càng không nên vội. Hãy cứ dừng lại một nhịp đèn xanh, tạt vào góc quán, đọc một trang sách như là: “Đừng bao giờ nói bận với người cần bạn. Đừng bao giờ quên những người luôn nhớ bạn. Để được gì thì chưa rõ. Ít ra là hiếm khi nào cô đơn”. Vậy thôi, vội vã để làm chi.