Xót xa cảnh trẻ con sinh ra trẻ con

Ngày 6-12, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã họp phiên thứ hai. Trước đó đoàn giám sát đã tổ chức ba đoàn công tác, hoàn thành việc giám sát tại 17 địa phương gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Cần Thơ, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước.

Cha hiếp dâm con, ông nội hiếp cháu

Đại diện Đoàn công tác số 1, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhận xét: “Tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng so với giai đoạn 2011-2015”. Bà Hải dẫn chứng: Sáu tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại ở Hà Nội tăng đột biến là 272 em, chiếm 41% tổng số trẻ em bị xâm hại trong cả giai đoạn 2015-2019.

Đáng chú ý, theo đánh giá chung của ba đoàn công tác, hình thức xâm hại trẻ em chủ yếu là xâm hại tình dục, chiếm tỉ lệ hơn 50% tổng số các vụ trẻ em bị xâm hại, cá biệt có một số địa phương tỉ lệ này lên tới 70%-80%, như Phú Thọ gần 77%, Nghệ An 72%, Hòa Bình 89%...

“Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đa dạng, trong đó nổi lên là tình trạng cha mẹ, người thân thích, ruột thịt, có cả trường hợp bố đẻ hiếp dâm con gái, ông nội hiếp dâm cháu…” - bà Hải nêu thực trạng đau lòng.

Ngoài ra là các đối tượng khác như giáo viên, người làm công tác giáo dục, người có trách nhiệm chăm sóc, chữa bệnh, người quen biết, có đối tượng là tổ trưởng tổ dân phố, bí thư đoàn phường, bí thư chi bộ, cán bộ công an…

Đoàn công tác số 2 do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm trưởng đoàn cũng gặp phải tình trạng tương tự. Bà Nga cho hay tình trạng người phạm tội chính là người ruột thịt, người thân thích, người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh, người quen của trẻ là phổ biến. Bà dẫn chứng ở Phú Thọ, người phạm tội là các đối tượng nêu trên chiếm tới… 97%, còn ở Lạng Sơn tỉ lệ này là trên 85%.

Cũng theo chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra rất nghiêm trọng, nặng nề cả về thể chất và tinh thần, nhiều trường hợp để lại di chứng lâu dài, trong đó có những em mang thai ngoài ý muốn, phải bỏ học, thậm chí nhiều trường hợp trẻ bị tử vong.

Đoàn công tác của bà Nga tới giám sát tại Đà Nẵng, Đắk Lắk và bốn tỉnh miền núi phía bắc. Kết quả, số liệu của sáu tỉnh cho thấy có tới 28 trẻ tử vong, 32 trẻ em có thai sau khi bị xâm hại.

“Đáng lo ngại là rất nhiều vụ xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục, diễn ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện, nhiều trường hợp kéo dài 2-3 năm như vụ thầy giáo dâm ô nhiều học sinh nam ở Phú Thọ. Có vụ chỉ bị phát hiện khi gia đình phát hiện các em có thai nhiều tháng…” - bà Nga nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật, đại diện Đoàn công tác số 3, nói: “Xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn đề nóng trong xã hội. Độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại rất nhỏ, tập trung từ 13 đến dưới 16 tuổi. Tính chất của các vụ xâm hại tình dục đã đến mức nghiêm trọng, báo động về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư”.

Phiên họp thứ hai của đoàn giám sát. Ảnh: Đ.MINH

Các địa phương còn thờ ơ

Tại cuộc họp, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ phản ánh ba bất cập từ thực tiễn giám sát. Đặc biệt, ông Bộ cho rằng việc quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống xâm hại trẻ em “rất giới hạn”. “Nghị quyết chuyên đề về việc bảo vệ trẻ em gần như không có và triển khai thực hiện gần như khoán trắng cho ngành LĐ-TB&XH. Khi chúng tôi đặt câu hỏi ở tầm lãnh đạo UBND tỉnh, UBND huyện nhưng các đồng chí không nắm được” - ông Bộ nói.

Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, tham gia Đoàn công tác số 2. Theo bà Hồng, cả sáu địa phương nơi Đoàn công tác số 2 tới làm việc đều có tình trạng trẻ em mang thai. Nhưng sự phối hợp đồng bộ của chính quyền địa phương để quan tâm giải quyết việc này chưa đúng mức.

Bà Hồng dẫn chứng: “Có trường hợp bố đẻ, bố dượng hiếp dâm con ruột hoặc con của vợ dẫn đến mang thai. Chúng tôi đặt câu hỏi với cơ quan chức năng: Các cháu nạo thai đi hay sinh con ra, sinh ra thì nuôi ở đâu thì hầu như không nắm được. Nhìn cảnh trẻ em đã bị xâm hại còn sinh con, trẻ con nuôi trẻ con rất xót xa”.

Bà Hồng cũng cho rằng theo báo cáo của các Sở Tư pháp, tỉ lệ số trẻ bị xâm hại được trợ giúp pháp lý rất thấp. “Tỉnh nào nói các cháu được trợ giúp pháp lý hết thì tôi khẳng định là không đúng. Vì khi chúng tôi chất vấn hình thức hỗ trợ các cháu như thế nào thì họ không nói được” - bà Hồng nói.

Ngoài ra, cần cảnh báo về tình trạng trẻ em bị xâm hại ngay chính tại trung tâm bảo trợ xã hội. Bà Hồng nhắc tới việc một cán bộ tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM dâm ô nhiều bé gái xảy ra mới đây, hay việc nhân viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương bị tình nghi xâm hại một bé gái suốt hai năm.

Bà Hồng cũng lưu ý thái độ của các nhân viên trung tâm bảo trợ xã hội khi dẫn việc một cháu bé bị người thân hiếp dâm dẫn đến mang thai, sau đó được đưa tới trung tâm ở Tiền Giang. “Trung tâm đó nuôi dưỡng không tốt, suốt ngày miệt thị cháu là “mới 12 tuổi đã cong cớn…” khiến cháu phải viết thư cho chúng tôi…” - bà Hồng cho hay.

Sẽ khảo sát ở các trường học

Dự kiến thời gian tới, Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, tiếp tục khảo sát một số trường học trên địa bàn TP Hà Nội. Ngoài ra, đoàn sẽ thăm, gặp gia đình một số nạn nhân bị xâm hại, tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên đề… nhằm đánh giá thực trạng, nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp để hoàn thiện báo cáo giám sát trình Quốc hội.

Nhiều trẻ bị bạo lực, xâm hại đã tử vong

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho biết tại TP.HCM, trong số trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, có 12 trẻ tử vong, một trẻ bị thương tật, 34 trẻ bị rối loạn tâm thần, 50 trẻ có thai và 378 trẻ bị tác động khác về thể chất. Trong khi đó, Bình Phước có hai trẻ bị tử vong, chín trẻ bị rối loạn tâm thần, 14 trẻ có thai, 16 trẻ phải bỏ học, 159 trẻ bị tác động khác về thể chất, tinh thần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm