Xử hình sự nhưng vẫn bảo đảm doanh nghiệp hoạt động bình thường

(PLO)- Hai vụ án hình sự xảy ra ở Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Chiều 27-4, Ban Nội chính Trung ương, Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, đã họp báo thông tin về kết quả cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo diễn ra sáng cùng ngày.

Cuộc họp buổi sáng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì nhằm thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 21 của toàn thể Ban chỉ đạo, ngày 20-1.

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương (đứng), phát biểu tại cuộc họp thông tin về kết quả cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: NGHĨA NHÂN

“Đánh chuột” sao cho khỏi “vỡ bình”?

Tại cuộc họp báo, vấn đề được nhiều PV quan tâm là giải pháp “đánh chuột” mà không “vỡ bình”. Câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh sau khi cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt giam nhiều bị can là lãnh đạo chủ chốt của các công ty trong hai vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thị trường chứng khoán đã xuất hiện tâm lý tiêu cực, còn thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) có nhiều lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, cho biết Thường trực Ban chỉ đạo không đi vào chi tiết những vụ việc cụ thể. Riêng hai vụ án xảy ra ở Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh thì đến cuộc họp này, Thường trực Ban chỉ đạo mới quyết định đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. “Việc giải quyết vụ án lớn, có liên quan đến DN lớn thì Đảng, Nhà nước luôn cân nhắc không xử lý thì mất gì, được gì; còn nếu xử lý thì được gì; đều tính toán rất kỹ lưỡng” - ông Yên nói.

Theo phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, trong hoạt động kinh tế nói chung cũng như tài chính, tín dụng ngân hàng, chứng khoán, làm sao để các hoạt động diễn ra đúng pháp luật, công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các chủ thể có liên quan là mục tiêu của cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Làm tốt được việc đó thì quyền lợi của các bên được đảm bảo, DN trong và ngoài nước tin tưởng vào môi trường kinh doanh mà quyết định đầu tư. Với các vụ án kinh tế lớn vừa khởi tố, diễn biến cho thấy đã chín muồi, cần phải làm.

“Tất nhiên không thể tránh được tác động nào đó. Nhưng mà đã có chủ trương, biện pháp, giải pháp sao cho các DN liên quan vẫn hoạt động bình thường. Hậu quả có thể xảy ra đã được lường trước và có giải pháp” - ông Yên nói.

Xử lý để đảm bảo quyền lợi của công dân, DN

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học khẳng định mục đích của việc xử lý vi phạm là làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu.

“Mục đích của việc xử lý vi phạm là làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu.”

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học

“Trong cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo, có đồng chí đánh giá thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu tăng trưởng như vừa qua là ảo, không phản ánh đúng giá trị thực. Cho nên việc xử lý như vậy nhằm đưa thị trường về đúng giá trị thực của nó. Đấy cũng là giải pháp để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mọi công dân tham gia các hoạt động này. Trong đó đảm bảo quyền lợi của các DN có liên quan” - ông Học cho biết.

Tại cuộc họp, dù không đi sâu vào vụ án cụ thể, những ý kiến phát biểu trong Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực cũng khẳng định rằng khởi tố, áp dụng các biện pháp tố tụng với cá nhân cụ thể là theo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm của cá nhân đó, con người đó.

Các biện pháp hình sự được tiến hành vẫn phải đảm bảo hoạt động bình thường nhất có thể của các tổ chức, DN liên quan. “Hàng không Bamboo hay hoạt động kinh doanh, dịch vụ của các DN khác vẫn phải được đảm bảo” - ông Học nêu ý kiến của một thành viên Thường trực Ban chỉ đạo.

Cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực ngoài việc cho ý kiến chỉ đạo các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo còn điểm qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng trên mặt trận nóng bỏng này.

Trong đó, đáng chú ý là đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực đã cơ bản hoàn thiện. Bộ Chính trị đã cho ý kiến và sẽ trình Hội nghị Trung ương 5 (sẽ khai họp vào ngày 4-5) tới quyết định.

“Nếu trung ương thông qua thì công việc tiếp theo là Ban bí thư sẽ ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Chúng tôi tin rằng với kinh nghiệm tốt từ Ban chỉ đạo Trung ương, việc ra đời các Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ thúc đẩy công tác PCTN, tiêu cực sâu rộng, hiệu quả hơn” - ông Học nói.

Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh - giải thể rồi tái lập

Quá trình xây dựng Luật PCTN đầu tiên, năm 2005, đã có những tranh cãi về sự cần thiết của Ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh.

Ban đầu, luật năm 2005 chỉ quy định là có Ban chỉ đạo Trung ương, do Thủ tướng làm trưởng ban. Đến lần sửa luật năm 2007 thì bổ sung Ban chỉ đạo cấp tỉnh, do chủ tịch UBND cấp tỉnh làm trưởng ban.

Tuy nhiên, mô hình này không chứng minh được hiệu quả nên sau Đại hội XI, Trung ương quyết định tổ chức lại Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo mô hình là Ban chỉ đạo của Đảng, do Bộ Chính trị thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban bí thư về công tác PCTN. Đồng thời tái lập Ban Nội chính Trung ương làm Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo.

Từ quan điểm này, lần sửa đổi năm 2012, Luật PCTN hủy bỏ điều luật quy định về Ban chỉ đạo Trung ương cũng như Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN.

Giải thích về lý do tổ chức lại Ban chỉ đạo cấp tỉnh, ông Nguyễn Văn Yên nói: “Tình hình mới cần có giải pháp mới. Công tác PCTN thời gian qua và mới đây bổ sung thêm phòng chống tiêu cực cho thấy cần huy động cả hệ thống vào cuộc. Có vậy mới khắc phục được tình trạng trên nóng, dưới lạnh”.

Tuy nhiên, câu hỏi mà Pháp Luật TP.HCM đặt ra là: Khi vẫn còn những bí thư tỉnh ủy, chẳng hạn như Bình Thuận có hai đời bí thư liên tiếp vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, vừa bị xử lý nghiêm khắc thì mô hình Ban chỉ đạo cấp tỉnh dự kiến do bí thư cấp tỉnh làm trưởng ban liệu có phát huy hiệu quả?

Ông Nguyễn Thái Học trả lời: “Đảng đã phân cấp rất mạnh, trao thẩm quyền lớn cho các tỉnh, thành ủy, bao gồm cả quyền hạn, nghĩa vụ trong công tác PCTN, tiêu cực. Vậy thì cũng cần trao cho địa phương một tổ chức để thực thi quyền hạn. Như thế cũng có cơ sở để đánh giá cán bộ, trong đó có tiêu chí về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới