Những trường hợp bị xử lý hình sự hay hành chính theo luật định khá ít hoặc công chúng không biết.
Gần đây, khi Tổng Bí thư phát động cuộc chiến chống tham nhũng, các cơ quan cùng vào cuộc thì mới có những cán bộ cấp cao bị kỷ luật, khai trừ, xử lý hình sự, thậm chí xóa cả tư cách “nguyên”.
Thì ra là từ trước tới nay, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản dưới luật khác về xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức cũng như trách nhiệm bồi thường, hoàn trả… chỉ có thời hiệu 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Vì quy định này, nhiều vụ việc chỉ được phát hiện ra sau hai năm và thế là công chức dù có gây sai phạm cũng coi như bất khả xử lý vì thời hiệu truy cứu đã hết. Một lần nữa, sợi dây kinh nghiệm rút mãi không thôi. Cuối cùng chỉ chết người dân, vì có sai phạm do công chức gây ra phải trả giá bằng mấy thế hệ.
14 cựu cán bộ huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm hầu tòa vì liên quan đến sai phạm đất đai tại xã Đồng Tâm. Ảnh: Trọng Phú
Nỗi nhức nhối trên sẽ hạn chế được, ít nhất là tại TP.HCM, nếu một đề xuất rất hay của TP được trung ương chấp thuận. Vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trình Thủ tướng kiến nghị điều chỉnh thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng. Nghĩa là thời hiệu xử lý cán bộ, công chức, viên chức là năm năm đối với hình thức khiển trách và 10 năm đối với các hình thức kỷ luật khác.
Thật ra cả hệ thống chính trị cũng như bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức chắc không ai muốn các hình thức kỷ luật. Vì vướng vòng lao lý thì có ai mà vui. Thế nhưng thực tế vận hành của thể chế khiến đôi khi guồng máy hoạt động bị lỗi. Quy định pháp luật của chúng ta không thể nói là không nghiêm minh nhưng có lẽ như Thủ tướng từng nói trước Quốc hội: “Thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu”.
Đề xuất tăng thời hiệu xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chắc chắn có tác động lớn và trực tiếp đến thái độ cũng như hành động của nhiều công chức, viên chức nếu được trở thành hiện thực. Bởi tất yếu khi hiểu được gia tăng thời hạn hồi tố nghĩa là nguy cơ bị phát hiện sau sai phạm sẽ tăng lên gấp bội, cây kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra thì công chức, viên chức sẽ cẩn trọng hơn khi thi hành công vụ.
Dù biết chưa thể triệt tiêu nhưng tin rằng cảnh hành dân sẽ bớt đi, quy định pháp luật sẽ được thực thi nghiêm minh hơn, cán bộ, công chức, viên chức trước khi vi phạm sẽ phải đắn đo lo nghĩ nhiều hơn. Quy định pháp luật khó có thể bị khinh nhờn khi thời hiệu xử lý vi phạm ràng buộc họ đến tận 10 năm sau khi hạ cánh.
Điều mấu chốt của một bộ máy sạch và mạnh vẫn là phải làm sao để bất kể cán bộ, công chức, viên chức nào cũng “không thể, không dám, không cần, không phải” vi phạm. Khi ấy, hạ cánh an toàn sẽ chỉ còn là cổ tích!