Câu hỏi: Khi giấy phép liên vận giữa Việt Nam và nước ngoài hết hạn, đồng thời xe bị mất phù hiệu thì phải xử lý như thế nào?
Luật sư Khưu Thanh Tâm (Công ty Luật TNHH Giải Pháp Việt) cho biết giấy phép liên vận giữa Việt Nam và nước ngoài là loại giấy phép cấp cho các phương tiện cơ giới bằng đường bộ qua lại biên giới thông qua thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước tương ứng. Theo đó, tùy vào thỏa thuận giữa Việt Nam và quốc gia giao kết mà loại giấy phép liên vận; đối tượng, thời gian được phép tại ngoại và các vấn đề khác liên quan sẽ khác nhau.
Khi giấy phép liên vận giữa Việt Nam và nước ngoài hết hạn hoặc quá thời gian lưu hành vì lý do chính đáng thì sẽ được gia hạn một lần với một khoảng thời gian cụ thể để có thể khắc phục. Ví dụ: đối với giấy phép liên vận CLV thì phương tiện của Lào, Campuchia gặp trường hợp bất khả kháng (thiên tai, tai nạn giao thông, hỏng phương tiện không thể sửa chữa tại Việt Nam) được gia hạn một lần với thời hạn không quá 10 (mười) ngày, kể từ ngày hết hạn theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 63/2013/TT-BGTVT ban hành ngày 31-12-2013 hướng dẫn thực hiện một số điều của Bản ghi nhớ giữa chính phủ các nước Vương quốc Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vận tải đường bộ.
Bên cạnh đó, Thông tư số 88/2014/TT-BGTVT ngày 31-12-2014 hướng dẫn thực hiện một số điều của hiệp định và nghị định thư thực hiện hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Thông tư số 39/2015/TT-BGTVT ngày 31-7-2015 hướng dẫn thi hành một số điều của hiệp định và nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia quy định: Giấy phép liên vận Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia có bao gồm phù hiệu liên hệ. Phương tiện cơ giới khi qua biên giới bằng hai loại giấy phép này phải gắn Biển ký hiệu phân biệt quốc gia và phù hiệu liên vận do các cơ quan có thẩm quyền cấp cùng với việc cấp giấy phép liên vận (đối với giấy phép liên vận CLV thì không có phù hiệu liên vận mà chỉ có biển ký hiệu phân biệt quốc gia). Nếu không gắn biển ký hiệu phân biệt quốc gia hoặc phù hiệu liên vận thì sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật. Trường hợp xe bị mất phù hiệu liên vận, ký hiệu phân biệt quốc gia, giấy phép hay hết thời hiệu của giấy phép cần phải báo cho cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn cấp lại.
Mặt khác, căn cứ theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ban hành ngày 26-5-2016. Người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sẽ bị xử phạt nếu vi phạm các hành vi như sau:
Đối với hành vi điều khiển xe vận chuyển hành khách liên vận quốc tế không có hoặc không có gắn ký hiệu phân biệt quốc gia, phù hiệu liên vận theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng (cơ sở pháp lý điểm e khoản 6 Điều 23).
Đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài không gắn ký hiệu phân biệt quốc gia theo quy định sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 35).
Đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài không có giấy phép vận tải quốc tế, phù hiệu vận tải quốc tế liên vận theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng (theo điểm c khoản 2 Điều 35).