Câu hỏi: Trường hợp nào khi bị xử lý vi phạm giao thông, người ra quyết định xử phạt phải chứng minh lỗi cho người vi phạm biết? (có thể là trực tiếp khi dừng xe, có thể là gián tiếp thông qua thiết bị nghiệp vụ).
Luật sư Khưu Thanh Tâm (Công ty Luật TNHH Giải Pháp Việt) cho biết căn cứ theo Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT thì CSGT chỉ được dừng xe trong một số trường hợp.
Cụ thể, CSGT trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Hoặc khi thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cục trưởng Cục CSGT hoặc giám đốc công an cấp tỉnh trở lên. Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của trưởng Phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, trưởng Phòng CSGT hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên.
Bên cạnh đó, việc có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Trong đó, văn bản đề nghị phải ghi thời gian cụ thể, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
Ngoài ra, khi CSGT nhận được tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Như vậy, CSGT có quyền dừng các phương tiện đang tham gia giao thông khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Luật sư Tâm cho biết thêm, trong trường hợp CSGT trực tiếp phát hiện lỗi thì phải thông báo cho người tham gia giao thông biết lỗi vi phạm trước khi yêu cầu kiểm tra giấy tờ và nếu xử phạt thì CSGT phải chứng minh được lỗi vi phạm của người tham gia giao thông theo Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Đồng thời, tại điểm a khoản 2 Điều 14, Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định như sau: “Khi đã ghi nhận được hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của người và phương tiện tham gia giao thông thông qua các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, cán bộ thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định. Trường hợp người vi phạm yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm thì phải cho xem ngay nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi thu được tại đó; nếu chưa có ngay hình ảnh, kết quả ghi, thu được thì hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi thu được khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị”.
Khi đó, việc chứng minh này của CSGT tuy là hình thức gián tiếp nhưng CSGT có thể thông qua các bằng chứng cụ thể như các biện pháp kỹ thuật như camera, máy đo nồng độ cồn, máy bắn tốc độ… và sử dụng nó làm chứng cứ để lập biên bản xử phạt vi phạm.