Xử lý xe quá tải: Cuộc chiến với lợi ích cục bộ

LTS: Đầu tháng 4-2014, cả nước lập trạm cân chống xe quá tải và hàng vạn phương tiện dừng xe né trạm. Điều này đủ nói lên xe quá tải đang ngày đêm cày nát các con đường. Nghịch lý là người dân và xã hội phải bỏ tiền làm đường để làm lợi cho một nhóm người nên cuộc chiến này cứ dùng dằng. Và dù Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tuyên bố “làm kiên trì, quyết liệt”, “xử lý nghiêm tiêu cực” nhưng để biến nó thành hiện thực không phải là điều dễ dàng...

Không phải đến tháng 4-2014 mới có chuyện cân xe quá tải mà hơn 20 năm trước, Nhà nước đã siết việc này nhưng phải ngưng vì đụng đến nhóm lợi ích…

Sức ép từ lợi ích cục bộ

Theo ông Lê Mạnh Hùng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ), từ thời Bộ trưởng Bùi Danh Lưu (1991-1996), hệ thống trạm cân đã được thành lập để xử lý xe quá tải. “Dù thiết bị thời đó còn lạc hậu, cân thủ công nhưng các cán bộ làm việc có trách nhiệm và trạm cân thực sự là nỗi “kinh hoàng” của xe quá tải. Nhờ thế mà các cây cầu, con đường thời đó tuy cũ nhưng có độ bền cao, không có ổ trâu, ổ gà”.

Tuy nhiên, việc lập trạm cân cũng đồng nghĩa đụng chạm đến lợi ích của không ít ngành, lĩnh vực. Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT từng nói: “Mỗi năm xe chở quá tải có thể đem lại lợi ích cho doanh nghiệp (DN) vài trăm tỉ đồng và ngược lại chúng lại tàn phá, làm thiệt hại hàng chục tỉ đồng cho các công trình giao thông”. Chính vì lợi ích to lớn trên nên rất nhiều người phản đối trạm cân.

Ông Lê Ngọc Tiến, nguyên Chánh Thanh tra Cục Đường bộ - tác giả của nhiều đề án khôi phục trạm cân, cho hay: “Việc phản đối trạm cân chưa bao giờ hết nóng. Ngay từ thời kỳ đầu, các DN và lái xe luôn tìm đủ mọi cách để phá trạm cân như cản trở giao thông, tránh trạm, kêu ca tăng giá cước… để tạo áp lực với cơ quan quản lý, buộc phải dừng trạm cân. Khi trạm cân dừng thì họ lại “vô tư” phá đường và hưởng lợi từ hoạt động chở quá tải”.

Ngày 24-4, hàng trăm xe quá tải nằm nối đuôi không chịu vào trạm cân ở Bình Thuận. Ảnh: P.NAM

Không những chịu sức ép từ các xe tải “quậy” trạm cân, cơ quan quản lý trạm cân còn phải chịu sức ép lớn từ chính các đơn vị quản lý vận tải trong ngành. “Không rõ DN có vận động hành lang hay không nhưng khi trạm cân hoạt động, một số lãnh đạo phụ trách mảng vận tải luôn tỏ thái độ không bằng lòng. Đến khi trạm cân dừng hoạt động thì họ không nói gì nữa. Sang giai đoạn 2003-2005, khi cơ quan quản lý đường đề xuất tái lập trạm cân thì họ lại đưa ra đủ thứ lý do để phản đối. Rồi ngay cả những lãnh đạo cao cấp của Bộ GTVT cũng không hài lòng với trạm cân nên đưa ra rất nhiều lý do để phản đối…” - ông Tiến kể và cho hay có người còn đề nghị ông không phát biểu ủng hộ việc khôi phục các trạm cân…

Chưa hết, chính quyền địa phương ở một số nơi cũng không mặn mà với trạm cân bởi sợ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa của tỉnh, của DN. “Địa phương cũng “gây khó” bằng đủ mọi cách, họ yêu cầu mình phải đặt trạm cân tại các khu vực có nhiều đường tránh và xe quá tải lại né trạm, phá đường, họ lại bảo tại trạm cân nên đường bị phá và đề nghị tạm dừng hoạt động. Không những thế họ còn không hợp tác trong việc phối hợp với trạm cân để xử lý xe quá tải…”.

Làm trạm cân rất giàu

Theo ông Hùng, trước năm 2000 xuất hiện tình trạng tiêu cực, ăn tiền để xe quá tải “lọt trạm”. “Nhiều nhân viên còn can thiệp sửa đổi kết quả tải trọng để bắt lái xe phải chung chi. Báo chí cũng vào cuộc phơi bày hàng loạt những thủ đoạn tiêu cực của hệ thống trạm cân. Nhiều lãnh đạo cũng có ý kiến với Bộ, với Cục về tình trạng tiêu cực này. Thậm chí có ý kiến cho rằng trước mắt nên tạm thời dừng hoạt động hệ thống để đổi mới cung cách quản lý. Khi nào có cách quản lý hiệu quả, ngăn chặn được tình trạng tiêu cực thì mới hoạt động trở lại” - ông Hùng nói.

Ông Lê Ngọc Tiến - nguyên Chánh Thanh tra Cục Đường bộ Việt Nam phân tích tiêu cực nhiều là do thời đó cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, các quy định của pháp luật về hoạt động của trạm cân chưa rõ ràng. “Khi đó trạm cân trực thuộc một số công ty quản lý sửa chữa đường bộ nên công tác quản lý khá lỏng lẻo. Đặc biệt việc bổ nhiệm các cán bộ làm nhiệm vụ ở trạm cân hết sức tùy tiện, thiếu cả trình độ lẫn năng lực. Nhiều người thấy lái xe cho tiền là sẵn sàng bỏ qua vi phạm ngay. Vì thế nên sau khi làm trạm cân một thời gian là có người xây được nhà, sắm được xe ngay”.

Đặc biệt trong giai đoạn 1999-2002, tình trạng tiêu cực của các trạm cân còn xuất hiện dày đặc hơn. Những ý kiến phản đối và đề nghị xem xét việc dừng trạm cân cũng xuất hiện nhiều hơn. “Khoảng năm 2003, với lý do tiêu cực nhiều, thiết bị lạc hậu, lãnh đạo Bộ GTVT cũng có ý định tạm dừng hoạt động của các trạm cân. Khi đó cũng có ý kiến cho rằng không nên dừng mà chỉ nên điều chỉnh, lắp lại thiết bị và tăng cường thanh tra để xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực. Có như thế thì mới bảo vệ được sự an toàn của những cây cầu, con đường. Tuy nhiên, đa số ý kiến đều cho rằng tiêu cực như thế thì trước mắt nên tạm dừng để nghiên cứu, sửa đổi quy hoạch và lắp lại hệ thống trạm cân bằng thiết bị hiện đại để con người không thể can thiệp vào được” - ông Hùng nói.

Còn ông Tiến thì cho rằng lẽ ra nếu có tiêu cực thì phải tìm ra giải pháp để ngăn chặn, xử lý chứ không dừng hoạt động của các trạm cân. Bởi dừng trạm cân thì xe quá tải sẽ thỏa sức tung hoành và cầu đường sẽ bị hỏng hóc. Lợi ích từ việc chở quá tải là rất lớn nên các DN vận tải luôn tìm mọi cách để các trạm cân dừng hoạt động. Đến năm 2003, việc dừng hoạt động của các trạm cân về cơ bản đã được thống nhất nên cứ vài tháng Bộ, Cục lại “âm thầm” cho dừng một trạm… Cứ thế cuối cùng chỉ còn duy nhất hai trạm cân hoạt động cầm chừng, trong đó có trạm cân Dầu Giây - Đồng Nai và rồi cuối cùng cũng phải dừng hẳn.

Sau khi trạm cân bị giải thể, các thiết bị không được bảo quản nên gần như hỏng hóc hết. Còn các cán bộ của trạm cân thì cũng phân tán đi khắp nơi. Hệ quả là các DN “vô tư” chở quá tải. Nhiều tuyến đường như quốc lộ 2, quốc lộ 5, quốc lộ 1A dù thường xuyên được nâng cấp, sửa chữa nhưng cũng không thể chịu được sức nặng của hàng trăm, hàng ngàn xe quá tải đi qua mỗi ngày.

Theo ông Tiến, đến khoảng 2005-2006 phát hiện tình trạng xe quá tải phá cầu, đường nghiêm trọng và trước sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT mới quyết định nghiên cứu việc tái lập hệ thống trạm cân trong cả nước. “Lẽ ra việc khôi phục phải được thực hiện từ năm 2006 nhưng các cơ quan quản lý ngại đụng chạm, sợ sức ép của DN nên cứ liên tiếp trì hoãn cho mãi đến giai đoạn 2010-2011, Bộ GTVT mới quyết định cho thí điểm khôi phục được hai trạm cân ở Đồng Nai và Quảng Ninh để nghe ngóng chứ chưa thực sự làm đến nơi đến chốn”.

 

Việc buông lỏng quản lý nhà nước về tải trọng xe đã bị để quá lâu. Đất nước gần trăm triệu dân, gần triệu xe kinh doanh vận tải nên tình trạng vi phạm tràn lan, bây giờ bắt tay vào xử lý tất nhiên rất nhiều khó khăn. Do đó chúng ta phải làm thường xuyên, liên tục, lâu dài để đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh, cũng như đảm bảo an toàn giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói tại hội nghị sơ kết ngày 17-4-2014

Chỉ mới mấy ngày trạm cân hoạt động, mặt đường quốc lộ 1 đoạn cho xe quay đầu vào bàn cân dù mới làm nhưng đã lún, nứt, đủ thấy sức công phá của các loại xe quá tải đối với hệ thống cầu đường như thế nào.

Ông HUỲNH NINH THẠCH, Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Thuận

THÀNH VĂN

Kỳ sau: Xử lý xe quá tải: Đừng ngại đụng chạm
Các chuyên gia hiến kế để duy trì hoạt động các trạm cân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới