Xử phạt vi phạm giao thông về đèn vàng không phải quy định mới

Cụ thể, theo Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8, ô tô khi tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức phạt tiền từ 1,2 đến 2 triệu đồng.
Đối với người đi mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe máy nếu vượt đèn vàng bị phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng.
Người đi xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác sẽ bị phạt ở mức phạt 60.000-80.000 đồng. Riêng người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dụng số tiền phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng.

Đã có rất nhiều người bày tỏ sự thắc mắc, tranh cãi về quy định này vì khó chứng minh mình không vượt đèn vàng, hoặc khi đi qua vạch đèn mới chuyển vàng vì thông thường đèn vàng chỉ vài giây.

Tuy nhiên, xem lại các quy định về việc xử phạt đối với hành vi này có thể thấy nội dung này không có gì mới.
Quy định xử phạt về chấp hành đèn tín hiệu giao thông, tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP (sẽ bị bãi bỏ bởi nghị định mới 46/2016/NĐ-CP vào ngày 1-8 tới đây) đã quy định như sau: "Khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng".
Vi phạm này đối với ô tô sẽ bị xử phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt từ 200.000 đến 400.000 đồng.
Nay, tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, quy định này đã được quy định lại ngắn gọn nhưng bao quát đầy đủ hơn như sau: "Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông".
Với vi phạm này, mức phạt tăng lên đối với ô tô là từ 1,2 đến 2 triệu đồng; đối với xe máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy cũng tăng, từ 300.000 đến 400.000 đồng...
Về quy định thế nào là tín hiệu đèn giao thông, mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 06/2016/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, sửa đổi Thông tư 17/2012/TT-BGTVT và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11.
Theo đó, Quy chuẩn ban hành kèm theo thông tư này nêu rõ: Đèn tín hiệu vàng: Báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe” thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.
Tín hiệu vàng nhấp nháy: Báo hiệu được đi nhưng phải chú ý và thận trọng quan sát, nhường đường cho người đi bộ sang đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Trường hợp đèn tín hiệu tắt hoặc có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy thì lái xe phải tuân theo biển báo hiệu và vạch sơn theo thứ tự hiệu lực đã quy định.
Như vậy, có thể nói quy chuẩn quy định về tín hiệu đèn vàng này hoàn toàn sát với thực tế và không phải quy định mới. Quy định này đã được ban hành trước đó tại Thông tư 17/2012/TT-BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật về báo hiệu đường bộ và không có một thay đổi nào đối với quy định này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới