Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Phó Trưởng phòng CSGT (PC67) Công an tỉnh Nghệ An, cho rằng ban soạn thảo nên cân nhắc kỹ hơn về mức xử phạt đưa ra trong dự thảo, bởi một số mức phạt quá cao.
“Cụ thể, dự thảo nâng mức xử phạt tiền lên 4-6 triệu đồng (mức cũ 2-3 triệu đồng) đối với người điều khiển mô tô, xe máy chạy quá tốc độ 20 km/giờ; không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra ma túy; trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở là quá cao. Hiện người đi xe máy phần lớn còn nghèo, nhiều người đi xe máy giá chỉ 1-2 triệu đồng, nếu mức xử phạt cao họ sẽ chấp nhận bỏ chiếc xe đó. Như vậy số tiền phạt thu được sẽ thấp hơn mức đề ra” - ông Đông nêu ý kiến.
Lực lượng CSGT cũng thấy khó khả thi khi dự thảo nghị định mới quy định mức xử phạt quá cao. Ảnh: CTV
Cũng theo ông Đông, việc ban hành văn bản pháp luật phải dựa vào thực tiễn đời sống và đặc biệt phải khả thi. “Đơn cử như việc xử phạt người hút thuốc, mặc dù có lý nhưng từ khi ban hành đến nay không xử phạt được ai, như vậy luật đề ra để làm gì? Nên tôi cho rằng mức xử phạt tăng trong một số hành vi hiện nay là phạt cho “bõ tức” chứ không phải để giáo dục, răn đe...” - ông Đông thẳng thắn.
Tương tự, nhiều đại biểu cũng cho rằng ban soạn thảo cần phải rà soát các quy định để đưa ra mức xử phạt sát với thực tế. Hiện nay, việc thiếu cân nhắc khi tiếp thu ý kiến góp ý khiến cho nhiều văn bản mới ban hành đã phải liên tục sửa đổi. Do vậy, lần này Bộ GTVT cần kéo dài thời gian góp ý cho dự thảo nghị định mới.
Các đại biểu cũng cho rằng cần có cuộc khảo sát về hành vi gây tai nạn do uống rượu bia, vì hiện nay chưa có cuộc khảo sát nào nên cách nhìn và đề ra mức phạt đối với người uống rượu bia chưa hợp lý và hơi cao.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ghi nhận những đóng góp của các đại biểu. Ông Thọ hứa Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, tiếp thu để khi ban hành nghị định mới sẽ sát với thực tiễn.