Tản mạn cùng ẩm thực Việt

Cảm xúc với món ăn luôn là cảm xúc chân thật nhất. Đó là cảm giác đói khát, thèm muốn, hớn hở, phấn khích... Yêu có lúc còn dừng lại được chứ đói là không thể không ăn, nhỉ?

Tôi nhớ hoài hình ảnh một người chị họ ở Hà Nội vào TP.HCM, xuống máy bay Tân Sơn Nhất, việc đầu tiên là thuê taxi chở thẳng ra chợ Bến Thành để ăn… bún mắm. Thưởng thức no nê, chị mới khệ nệ xách va li, túi xách về khách sạn.

Tôi cũng nhớ hình ảnh đứa cháu trai hai tuổi, lần đầu tiên được ăn bún mắm trong đời đã ngọng nghịu hỏi mẹ: “Món này tên là gì mà ngon vậy mẹ?”.

Có rất nhiều câu chuyện, trong những giờ phút quan trọng, những lúc yếu lòng, người ta hay nhớ về những ký ức tuổi thơ, những bữa cơm mẹ nấu. Nhớ về món thịt rang cháy cạnh, cà tím om đậu mơ thơm mùi tía tô. Nhớ về món thịt kho trứng với miếng mỡ trong veo, rau muống xào tỏi xanh mướt, cá thu kho thơm vừa dẻo vừa dai dai, ngọt nước...

Rất nhiều người Việt xa xứ, ngày tết chắc hẳn sẽ rất nhớ cố hương, nhất là những món ăn ngày xa xưa mình đã từng được thưởng thức. Đó có thể là me dốt ngào đường trộn muối ớt, cà na dập ngâm đường. Đó có thể là phở Việt với miếng thịt bò cắt mỏng, nước trong thơm mùi hồi, quế. Có thể là khô bò Quốc Hương xé từng sợi, vị thật ngọt thơm. Có thể là ốc dừa xào bơ, sò huyết xào me, bánh canh giò heo. Là cả món phá lấu Tàu lề đường Pasteur thơm lừng mùi tương đen. Là gỏi khô bò Lê Văn Tám và nước mía ngọt “thịnh soạn” đãi sinh nhật của tuổi học trò, ngồi ăn đã đời mới phát hiện cô giáo phụ trách đội cũng đang ngồi “măm” ở góc bên kia.

Trong bộ phim Hàn Quốc Chocolate có một tình tiết nhắc tới câu chuyện người chồng Hàn Quốc - trong những ngày tháng cuối ở bệnh viện chữa bệnh nan y - đã đặt làm cho cô vợ Việt Nam của mình món “bún chả Hàng Mành”. Bún chả phải làm sao giống như món ăn đầu tiên của hai vợ chồng hồi còn ở Việt Nam ăn trong chợ đêm Bến Thành. Chẳng biết mùi vị có giống hay không nhưng tôi cũng thấy có bún tươi nhỏ sợi, rau thơm lá nhỏ xanh mướt, thịt nướng bắt mắt. Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất là hình ảnh cô vợ khi ăn cảm động đến nghẹn ngào, như đang nhận được món quà vô giá!

Món ăn Việt Nam thật sự xứng đáng có hạng trên bản đồ ẩm thực thế giới. Giáo sư Trần Văn Khê trong tự truyện của mình đã có phân tích sâu sắc đối với món ăn Việt. “Món ăn Việt Nam hội đủ kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, có âm có dương. Như món ốc luộc, thịt vịt hay thịt cá trê (hàn) thì chấm với nước mắm gừng (nhiệt). Nếu cảm nắng (bị mặt trời làm cho sốt) thì dương đã vào người, phải nấu cháo hành (âm). Món ăn Việt toàn diện, dân chủ và khoa học”.

Khi thưởng thức món ăn Việt, chẳng riêng gì vị giác, các giác quan khác cũng đều bị hấp dẫn. Thị giác sẽ bị hấp dẫn bởi màu sắc của món ăn, khứu giác sẽ bị hấp dẫn bởi mùi thơm của món ăn, thính giác thì nghe được tiếng giòn rụm của đồ ăn và những tiếng sảng khoái của người thưởng thức…

Người thích ăn ngon và được ăn ngon quả là hạnh phúc! Nhưng trong cách thưởng thức món ăn của người Việt thì có một đặc điểm được cho là … “khó tính”. Tức là ăn phải đúng kiểu mới chịu. Như miếng thịt bò phải được cắt đúng độ dày, khi ướp phải có rượu trắng, tiêu đen. Khi nướng miếng bò phải cháy cạnh viền ngoài nhưng thịt phải mềm, ngọt, bỏ vô miệng cắn nhẹ phải tứa ra nước và tan chảy trong miệng.

Như bún ốc ngon phải là bún ốc Hồ Tây. Ốc nhỏ, thơm, giòn tan, nước phải trong, thơm mùi dấm bỗng. Rau ăn kèm phải có lá nhỏ, mùi thơm đặc trưng. Cà chua đỏ tươi nhưng không nát. Bún sợi vừa nhỏ, gắp vào miệng mút phải lọt thẳng vào miệng, phải cảm được độ mát, thanh của bún.

Có một nghiên cứu khoa học cho thấy cảm giác ăn ngon quan trọng tới mức nó có thể thay thế cảm xúc thăng hoa, mang lại hạnh phúc cho con người! Chắc cũng giống cảm giác chinh phục một đỉnh cao nào đó nhỉ.

Đối với người Việt, dù “khó tính” thế nào đi nữa thì vẫn có một bí quyết của một bữa ăn ngon. Đó là ăn trong một tâm trạng thư thái, vui vẻ và với những người mình yêu thương.

* * *

Tôi cũng nhớ hoài câu chúc của chị tôi khi gởi thiệp chúc mừng sinh nhật cho con gái cưng: “Chúc con gái mọi điều tốt đẹp. Tuổi mới sẽ được đến nhiều chỗ mới, ăn nhiều món ngon mới. Hãy nhớ nhìn kỹ từng ô cửa nhà hàng, soi kỹ từng góc nhỏ bởi hoàng tử cũng thích ăn ngon lắm đó, con gái!”.

Thế mới thấy trong những gia đình hiện đại, hạnh phúc thay nếu người mẹ nào cũng sắp xếp được những bữa ăn gia đình, có những đứa con hào hứng với món ăn mẹ nấu. Câu hỏi thường trực mà các bà nội trợ thấy rất mê đó là: “Hôm nay mình ăn gì vậy mẹ?”. Thương hết biết!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

(PLO)- Trải nghiệm những chuyến xuyên rừng ngoạn mục, chinh phục những con dốc “ná thở” và tận hưởng hết hương vị của rừng, cảm giác đó chỉ có trekking mới mang lại được.
Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

(PLO)- Một khi dân Sài Gòn đã khoái ăn sang thì phải “săn” cho ra những món không chỉ ngon mà còn lạ và chắc chắn không hề rẻ tiền.
Những chuyến tour đàn bà

Những chuyến tour đàn bà

(PLO)- Đã là năm thứ 5 tôi làm phototour, thường được bạn bè gọi vui là “những chuyến xe đàn bà”, được nhiều người biết đến.
Nhớ cầu sắt Đa Kao

Nhớ cầu sắt Đa Kao

(PLO)- Thoáng chốc Dũ nhớ má nay đã gần tuổi chín mươi với mái tóc bạc phơ, trắng như những cụm gòn má nhồi gối mới cho Dũ vào những ngày giáp tết thời tuổi nhỏ.
Mắt rừng

Mắt rừng

(PLO)- Đứng trước cảnh đường trung du hoang vắng, nhìn tấm bảng chỉ nơi chúng tôi cần đến: “Lâm trường Lâm Bình 30 km”; phía sau là con đường đất dốc cao vút rồi mất dạng giữa rừng cây xào xạc lá, tôi đâm lo lắng.
Ký sự một năm du lịch trong biên giới

Ký sự một năm du lịch trong biên giới

(PLO)- Việc đầu tư vào du lịch nội địa, tập trung vào dịch vụ nghỉ dưỡng và thưởng thức văn hóa địa phương đã và sẽ là giải pháp tối ưu trong thời điểm dịch bệnh toàn cầu chưa kết thúc.