Xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2024?

(PLO)- Nhiều ý kiến đánh giá năm 2024 sẽ có nhiều tín hiệu thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2-2024 với chủ đề “Đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024” vừa được Bộ Công Thương tổ chức vào sáng nay, 29-2.

Ngay từ tháng 1, xuất khẩu gạo đã tăng vọt

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, bước sang năm 2024, ngay tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 512 ngàn tấn với trị giá 362 triệu USD, tăng 42,8% về sản lượng và 94,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Dẫn thông tin của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ông Toản cho hay, dự báo năm 2024 nguồn cung gạo toàn cầu giảm. Ấn Độ tiếp tục chính sách tạm dừng xuất khẩu gạo. Sản lượng lúa gạo tại các thị trường khác như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Campuchia cũng dự báo giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tồn kho cuối kỳ niên vụ 2023-2024 được dự báo ở mức 167,2 triệu tấn; giảm 8,6 triệu tấn so với niên vụ trước; là mức tồn kho thấp nhất trong sáu niên vụ trở lại đây.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023 Việt Nam xuất khẩu được 8,13 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỉ USD, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với cùng kỳ 2022.

Về thị trường xuất khẩu, Philippines đứng thứ nhất với 3,14 triệu tấn, chiếm 38,7%; theo sau là Indonesia 1,18 triệu tấn, chiếm 14,5%. Thị trường Trung Quốc 918 ngàn tấn, chiếm trên 11,3%...

Trong khi nguồn cung gạo được dự báo giảm thì nhu cầu tiêu dùng gạo của nhiều quốc gia lại có xu hướng gia tăng. Cạnh đó, dự báo khả năng nhập khẩu ở các thị trường truyền thống của gạo Việt Nam vẫn rất tốt.

gạo
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: AH

Trước mắt, vào ngày 29-1, trong khuôn khổ chuyến thăm nhà nước của Tổng thống Philippines, Việt Nam và Philippines đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo. Từ năm 2024-2028, trừ trường hợp thiên tai mất mùa thì Việt Nam sẵn sàng cung cấp cho Philippines 1,5-2 triệu tấn gạo hàng năm.

Trước đó, vào tháng 11-2023, Bộ Công Thương Việt Nam cũng ký kết với Bộ Công nghiệp nhẹ và Lương thực, nông nghiệp Mông Cổ bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam-Mông Cổ, trong đó Việt Nam sẵn sàng cung cấp 30 ngàn tấn gạo cho phía bạn.

Nhiều tín hiệu thuận lợi từ các thị trường chính

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự báo năm 2024, Philippines, Indonesia sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Thông tin cụ thể hơn từ thị trường Philippines, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành, cho biết Philippines cũng sản xuất lúa gạo nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

“Vì sản xuất không đủ nên hàng năm Philippines phải nhập từ 3-4 triệu tấn gạo, chủ yếu nhập từ Việt Nam. Năm 2022, Philippines nhập 3,2 triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm 85% tổng lượng gạo nhập khẩu từ các nước. Năm 2023, Philippines nhập 3,1 triệu tấn gạo từ Việt Nam. Có lúc giá gạo Việt Nam xuất khẩu sang Philippines trên 650 USD/tấn. Có thể khẳng định, với Philippines, Việt Nam là đối tác xuất khẩu gạo vô cùng quan trọng” - ông Thành cho hay.

Về dự báo năm 2024, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines cho hay Philippines sẽ không nhập dưới 3,5 triệu tấn, có thể 3,6-3,9 triệu tấn gạo, thậm chí 4 triệu tấn. Và đây chính là cơ hội để Việt Nam tăng xuất khẩu gạo sang Philippines. Tuy nhiên doanh nghiệp Việt cần lưu ý ngoài xuất khẩu loại gạo chất lượng cao thì nên chú ý xuất khẩu cả các loại gạo phù hợp với khoảng 50 triệu người dân nghèo, thu nhập thấp ở thị trường này.

GẠO
Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia chia sẻ thông tin về thị trường gạo tại Indonesia. Ảnh: AH

Về thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia cho biết năm 2023, nước này đặt mục tiêu sản xuất 32 triệu tấn gạo, tuy nhiên do ảnh hưởng El-Nino nên sản lượng chỉ đạt 30,9 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ cả năm ước tính 30,6 triệu tấn, do vậy không còn gạo dư thừa để dự trữ. Không còn cách nào khác, năm 2023, Indonesia buộc phải nhập khẩu thêm 3,5 triệu tấn.

Tuy nhiên do khan hiếm nguồn cung thế giới nên tính đến 31-12-2023, cơ quan hậu cần quốc gia mới chỉ mua được 2,7 triệu tấn. Lượng gạo chưa nhập đủ năm 2023 được Chính phủ gia hạn sang đầu năm 2024.

Với năm 2024, Chính phủ Indonesia dự kiến nhập 3,6 triệu tấn gạo vì việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm do thiếu nước.

“Trong 3,6 triệu tấn này không có nghĩa Indonesia sẽ nhập khẩu tất cả mà ưu tiên thu mua từ trong nước. Nếu sản xuất trong nước không đáp ứng đủ thì mới nhập khẩu đủ hạn ngạch” - ông Cường nói.

Theo thông tin từ Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia, vài ngày gần đây giá gạo ở Indonesia đang gia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Hiện giá gạo phẩm cấp cao được bán lẻ tại thị trường tự do ở Indonesia lên tới 18.000 Rupiah/kg, tương đương 1,16 USD/kg, trong khi mức giá trần Chính phủ ấn định là 0,9 USD/kg.

Với tình hình gạo thiếu hụt nghiêm trọng trong bối cảnh vụ thu hoạch chính vụ chưa bắt đầu mà tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo sẽ bắt đầu vào trung tuần tháng 3-2024 khiến nhu cầu lương thực thực phẩm tiếp tục gia tăng.

“Thương vụ dự báo Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục sớm mở thầu mua gạo ngoài đợt mở thầu thu mua 500 ngàn tấn ngày 17-1 vừa qua. Trong đợt mở thầu vừa qua các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu cung cấp hơn 300 ngàn tấn. Do vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát thông tin nhu cầu thị trường, tận dụng xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang Indonesia” - Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia khuyến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm