Xuất khẩu nông sản Tây Nguyên trước quy định mới từ Châu Âu

(PLO)- Nông sản các tỉnh Tây Nguyên đối mặt với nhiều thách thức trước quy định mới về xuất khẩu vào thị trường Châu Âu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết tỉnh đã bàn giải pháp để đáp ứng yêu cầu của Châu Âu về chuỗi cung ứng không gây phá rừng, suy thoái rừng.

Cà phê vẫn là sản phẩm chủ lực của các tỉnh ở Tây Nguyên. Ảnh: LÊ KIẾN

Cà phê vẫn là sản phẩm chủ lực của các tỉnh ở Tây Nguyên. Ảnh: LÊ KIẾN

Ủng hộ đạo luật mới của Châu Âu

Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ, cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31-12-2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này.

Dự kiến, đạo luật mới sẽ được công bố áp dụng trong tháng 5 hoặc tháng 6-2023 và có hiệu lực sau 18 tháng (tức cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025).

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, tỉnh Đắk Lắk rất ủng đạo luật mới của Châu Âu. "Tỉnh bám sát các nội dung trong dự thảo luật của Liên minh Châu Âu để xin ý kiến của Bộ NN&PTNT có một chủ trương chuẩn bị cho việc này. Đạo luật mới của EU có thể làm ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu nông sản vào Châu Âu”- ông Dương nói.

Vẫn theo giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, quy định mới của Liên minh châu Âu là xu thế của thế giới, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn việc suy giảm diện tích rừng.

“Cà phê là mặt hàng lớn của nước ta và là mặt hàng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk. Chúng tôi sẽ làm đầy đủ các điều kiện để chứng nhận đối với diện tích trồng nông sản ở địa phương không phải do phá rừng khi Châu Âu yêu cầu”- ông Dương thông tin.

Theo bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc khu vực châu Á – Chương trình cảnh quan bền vững, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), tỉnh Đắk Lắk cần quan tâm các giải pháp về giám sát rừng, hỗ trợ sản xuất không gây mất rừng; khoanh vùng sản xuất theo mức độ nguy cơ.

Quá trình thông tin, phản hồi, kết nối giữa Bộ NNPTNT và địa phương để có thể thống nhất được nền bản đồ tham chiếu chính xác nhất. Đồng thời, đánh giá chi phí/lợi ích và phản hồi lại với EU về tính khả thi.

Giải pháp về dữ liệu vườn trồng, truy xuất nguồn gốc; các đối tác cà phê có thể thống nhất thử nghiệm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhân cà phê đến các mức độ vùng trồng theo khu vực địa giới hành chính cấp xã, huyện...

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, xuất khẩu nông sản của tỉnh này trong những năm qua đạt được những thành tựu nổi bật, một số mặt hàng nông sản đạt kim ngạch cao như cà phê, hồ tiêu, tinh bột sắn, cao su, hạt điều…. Đắk Lắk là địa phương hàng đầu trong nước về xuất khẩu cà phê, có mặt trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Lo gặp rắc rối về mặt thủ tục

Trao đổi với PV, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng đạo luật mới của Châu Âu dù không tác động đến việc xuất khẩu của ngành cà phê địa phương nhưng có thể sẽ rất rắc rối khi thực hiện các bước thông quan.

“Thực tế, có nhiều diện tích rừng đã bị phá từ lâu rồi. Ở địa phương có nhiều diện tích đất trồng cà phê có nguồn gốc từ chuyển đổi đất rừng, nhưng xảy ra mười mấy, 20 năm qua. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi địa phương phải có tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Quy định mới sẽ gây phức tạp về thủ tục xuất nhập khẩu, buộc phải chứng minh mặt hàng bán không có xuất xứ từ rừng”- ông Trịnh Đức Minh nói.

Theo ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 (Đắk Lắk), vừa qua Châu Âu có sử dụng vệ tinh rà soát diện tích đất có nguồn gốc từ rừng của các nước.

“Hiện vẫn chưa công bố diện tích đất có nguồn từ rừng của nước ta, nhưng theo tôi rừng bị mất nhiều sau đó trồng cà phê chủ yếu xảy ra ở ở Brazil.

Khi đạo luật mới ra đời, nếu làm tốt công tác tuyên truyền cũng có tác dụng ngăn ngừa về sau. Chẳng hạn, khi thấy giá cà phê cao, người dân không thể mở rộng diện tích bằng mọi giá, trong đó có việc trồng cây này trên đất rừng”- ông Huy nói.

Còn ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho rằng các sản phẩm hồ tiêu trong nước xuất khẩu sang Châu Âu được kiểm tra về nguồn gốc, các tiêu chí rất rõ ràng và không ảnh hưởng đến việc xuất khẩu.

Còn ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, cho biết sở vừa đề nghị các địa phương, sở ngành trong việc sản xuất, thương mại nông sản không gây mất rừng, đáp ứng yêu cầu của đạo luật mới về nhập khẩu các mặt hàng nông sản vào thị trường Châu Âu.

Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện xây dựng thiết lập và tổ chức quản lý hiệu quả chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thế mạnh của địa phương.

Sở Công Thương tiếp tục việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đơn hàng tại thị trường EU…

Bộ NN&PTNT chủ trì bàn về đạo luật mới của EU

Ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, dự kiến ngày 18-5 này Bộ NN&PTNT sẽ có cuộc họp tại Hà Nội để đưa ra ý kiến về đạo luật mới của EU.

“Trong vấn đề này, vùng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thì chẳng vướng gì, quan trọng là doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc đất này là đất sạch, không liên quan đất rừng. Mà việc này thì cần có Chính phủ, các bộ ngành ngồi lại bàn bạc, đưa gia giải pháp”- ông Hiệp nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm