Ngày 9-10, ngày xung đột thứ ba giữa Israel và Tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza (Palestine), số người chết ở cả hai bên đã vượt quá 1.200, giao tranh vẫn diễn ra quyết liệt.
Cụ thể, Bộ Y tế Israel cho biết tính đến trưa 9-10 (giờ địa phương) đã hơn 700 người dân nước này thiệt mạng, 2.300 người bị thương. Về phía Palestine, Bộ Y tế nước này cho biết giao tranh đã làm 493 người thiệt mạng (trong đó có 81 trẻ em) và 2.651 người bị thương. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) (OCHA) ước tính hơn 123.000 người ở Dải Gaza đã phải di dời kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra.
Israel tuyên bố bao vây toàn diện Dải Gaza
Trưa 9-10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết Israel đang “bao vây toàn diện” Dải Gaza khiến khu vực này “không có thức ăn, nước và nhiên liệu”.
Trước đó ít phút, phát ngôn viên lực lượng Phòng vệ Israel - Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari cho biết lực lượng này đã kiểm soát tất cả cộng đồng dân cư xung quanh Dải Gaza và không có cuộc giao tranh nào giữa Israel và nhóm Hamas trên lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng các chiến binh Hamas có thể vẫn còn ở Israel và tiếp tục vượt Dải Gaza để đột nhập sang Israel.
Ông Hagari cho biết lực lượng Phòng vệ Israel đã huy động 300.000 quân dự bị, tăng cường ném bom và tấn công hơn 500 mục tiêu xuyên đêm 8-10 và rạng sáng 9-10 vào các trung tâm chỉ huy của nhóm Hamas và nhóm Hồi giáo Jihad (cũng là một phong trào Hồi giáo của người Palestine) ở Dải Gaza.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Palestine nói rằng các cuộc tấn công của Israel trên Dải Gaza chủ yếu nhắm vào nhà dân, cơ sở hạ tầng dân sự và các nhà thờ Hồi giáo.
Nhóm Hamas cho biết đã phóng 120 quả rocket từ Dải Gaza vào TP Ashdod và Ashkelon ở miền Nam Israel, đáp trả các cuộc không kích từ Israel. Nhiều cơ quan truyền thông tại hiện trường cũng ghi nhận còi báo động vang rền khắp Jerusalem và Tel Aviv khi hàng loạt rocket tấn công hai TP này.
Nhóm Hamas cho biết bốn con tin Israel đã thiệt mạng sau các cuộc không kích của lực lượng Phòng vệ Israel vào Dải Gaza. Trước đó, Hamas thông báo bắt giữ hơn 100 con tin từ Israel, trong đó có nhiều quan chức, sĩ quan cấp cao.
Trong khi đó, tại phía Bắc, Israel phải đối phó một cuộc tấn công bằng tên lửa dẫn đường và đạn pháo do lực lượng vũ trang Hezbollah - một phong trào Hồi giáo ở Lebanon - phát động để “thể hiện tinh thần đoàn kết” với nhóm Hamas.
Ngày 9-10, nhiều hãng hàng không như Korean Air (Hàn Quốc), Air India (Ấn Độ), Cathay Pacific (Hong Kong, Trung Quốc) đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Israel. Các chuyến bay của các hãng United Airlines, American Airlines và Delta Air Lines (Mỹ) cũng bị hủy, hoãn.
Mỹ ủng hộ Israel, Iran ủng hộ Hamas
Trước diễn biến phức tạp ở Israel và Dải Gaza, ngày 8-10, Hội đồng Bảo an LHQ đã có cuộc họp kín nhưng không đưa ra bất cứ tuyên bố chung nào. Cuộc họp chứng kiến sự tranh luận gay gắt giữa đại diện Israel và Palestine. Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan cáo buộc nhóm Hamas phạm tội ác chiến tranh và thề sẽ “xóa sổ cơ sở hạ tầng khủng bố của Hamas”. Trong khi đó, Đại sứ Palestine Riyad Mansour cảnh báo rằng sự tấn công của Israel sẽ “không mang lại kết quả gì” và kêu gọi cộng đồng quốc tế không khuyến khích Israel đi theo con đường bạo lực.
Mỹ và nhiều nước phương Tây tiếp tục lên án cuộc tấn công của nhóm Hamas và khẳng định sự ủng hộ với Israel. Trong ngày 8-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định rằng viện trợ của Washington đang được chuyển tới Israel và sẽ có thêm nhiều viện trợ khác trong những ngày tới. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Israel Isaac Herzog, Bộ trưởng Austin cũng có cuộc trao đổi với người đồng cấp Israel Yoav Gallan.
Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 8-10 rằng một nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ đang tiến tới phía đông biển Địa Trung Hải để hỗ trợ Israel. Theo ông Austin, lực lượng này bao gồm tàu sân bay, một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường và bốn tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường. Cũng theo ông Austin, Mỹ đang tăng cường máy bay chiến đấu đến khu vực, bao gồm các phi đội máy bay F-35, F-15, F-16 và A-10, đồng thời cung cấp đạn dược cho Israel.
CNN dẫn nguồn tin từ một quan chức Israel và một quan chức quốc phòng Mỹ rằng Israel đang yêu cầu Mỹ cung cấp bom dẫn đường chính xác và các thiết bị đánh chặn. Quan chức Israel cũng cho biết quân đội Israel có thể yêu cầu thêm năng lực và vũ khí từ Mỹ, tùy thuộc vào chiến dịch của Israel chống lại Hamas diễn ra như thế nào.
Các động thái hỗ trợ từ phía Mỹ với Israel bị nhóm Hamas cho là “cuộc xâm lược chống lại người dân Palestine”.
Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh - ông Josep Borrell thông báo EU sẽ họp khẩn. Trước mắt nhiều nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức…) đã tăng cường an ninh, bảo vệ các cộng đồng người Do Thái tại các nước này.
Ở phía ngược lại, Iran ngày 9-10 tiếp tục thể hiện sự ủng hộ với nhóm Hamas nhưng phủ nhận có liên quan các cuộc tấn công của nhóm này nhắm vào Israel. “Chúng tôi kiên quyết ủng hộ Palestine. Tuy nhiên, chúng tôi không tham gia vào động thái của Palestine vì việc này chỉ có thể do người Palestine thực hiện” - theo tuyên bố của phái đoàn Iran tại LHQ.
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS đưa tin Tổng Thư ký Liên đoàn Ả Rập Ahmed Aboul Gheit đã đến thủ đô Moscow (Nga) và chuẩn bị thảo luận với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về sự leo thang đang diễn ra ở Trung Đông. Moscow đã thể hiện thái độ trung lập với cuộc xung đột khi kêu gọi các bên “ngừng bắn ngay lập tức và thể hiện sự kiềm chế cần thiết” để đi đến đàm phán hòa bình lâu dài.
Trung Quốc ngày 8-10 kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh và chấm dứt hành động thù địch, đồng thời đề xuất thành lập nhà nước Palestine độc lập.•
Nhiều công dân nước ngoài thiệt mạng trong xung đột Israel - Hamas
Ngày 9-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết 12 công dân nước này đã thiệt mạng và 11 người bị bắt cóc trong cuộc xung đột, tờ Bangkok Post đưa tin. Hơn 1.000 công nhân Thái Lan đã yêu cầu trợ giúp để được sơ tán. Có khoảng 30.000 công nhân Thái Lan ở Israel.
Nepal xác nhận 10 công dân nước này thiệt mạng.
Lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, nghị sĩ Chuck Schumer ngày 9-10 cho biết bốn người Mỹ đã thiệt mạng ở Israel và lưu ý con số này khả năng còn tăng.
Bộ Ngoại giao Pháp xác nhận một công dân Pháp thiệt mạng và tám người mất tích kể từ khi xung đột bùng phát, tờ The Guardian đưa tin.
Ngày 8-10, Ngoại trưởng Mexico Alicia Barcena cho biết hai công dân Mexico “có lẽ” đã bị nhóm Hamas bắt làm con tin. Theo chính quyền Brazil, ít nhất ba công dân Brazil cũng đang mất tích. Ukraine cũng thông báo hai công dân thiệt mạng trong giao tranh Israel - Hamas.