Trong những ngày cuối năm 2023, xung đột Israel-Hamas vẫn ác liệt trên toàn bộ Dải Gaza bất chấp thương vong dân thường không ngừng tăng lên. Các chuyên gia dự đoán rằng cuộc xung đột này khó có thể kết thúc trong năm 2024 (ít nhất là trong những tháng đầu năm) khi quan điểm giữa các bên vẫn còn khác biệt.
Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn kiên quyết với mục tiêu “loại bỏ Hamas và đảm bảo rằng Gaza sẽ không còn là mối đe dọa đối với Israel”. Hôm 25-12, sau chuyến đi đến Dải Gaza, ông Netanyahu đã cảnh báo rằng cuộc chiến “còn lâu mới kết thúc”.
Trong khi đó, lãnh đạo Hamas ở Gaza - ông Yahya Sinwar thể hiện mong muốn trao đổi các con tin mà nhóm này đang giam giữ để đổi lấy hàng nghìn người Palestine bị giam trong các nhà tù của Israel, chấm dứt tình trạng bị bao vây của Gaza và tìm kiếm một chính quyền cho dải đất, theo hãng tin Reuters.
Không có lựa chọn dễ dàng cho Israel
Các nhà phân tích cho rằng Israel sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong việc lựa chọn phương án triển khai chiến dịch ở Gaza trong thời gian tới.
Nếu Israel kiên trì với mục tiêu trừ khử hoàn toàn Hamas như hiện nay có thể sẽ khiến thêm hàng nghìn dân thường Gaza thiệt mạng, biến những gì còn lại ở Gaza thành đống đổ nát, đồng thời khiến hàng trăm nghìn người phải di dời khỏi Gaza, dẫn tới khủng hoảng di cư.
Và việc duy trì cường độ giao tranh như hiện tại cũng sẽ khiến dư luận thế giới quay lưng với Israel.
Trong khi đó, chuyển sang tấn công tập trung vào giới lãnh đạo Hamas cũng không phải là cách dễ dàng cho Israel bởi vì loại bỏ các chỉ huy hàng đầu sẽ không đủ để Israel tuyên bố chiến thắng và kết thúc chiến tranh.
“Việc tiêu diệt giới lãnh đạo không ảnh hưởng đến một phong trào có đầy đủ hệ thống phân cấp tổ chức và cơ sở như Hamas. Nếu một người bị giết, một người khác sẽ tiếp quản phong trào như chúng ta đã thấy trước đây” - ông Ghassan Al Khatib, giáo sư chính trị tại ĐH Birzeit (Bờ Tây) nhận định.
Khả năng xung đột lan rộng là rất cao
Các chuyên gia lo ngại rằng cuộc xung đột sẽ lan rộng ở Trung Đông trong năm 2024 khi các nhóm Hồi giáo vũ trang được Iran hậu thuẫn tiếp tục duy trì thái độ ủng hộ với Hamas, còn Mỹ vẫn khẳng định sự ủng hộ với Israel và tăng hiện diện quân sự trong khu vực.
Gần đây, nhóm vũ trang Houthis (Yemen) tiếp tục tấn công các tàu ở Biển Đỏ, làm gián đoạn các tuyến thương mại toàn cầu.
Nhóm này cũng tuyên bố sẽ tấn công các tàu chiến Mỹ nếu lực lượng Houthis bị liên minh bảo vệ Biển Đỏ do Mỹ dẫn đầu tấn công.
Điểm nóng nguy hiểm khác là biên giới Israel- Lebanon với các cuộc đụng độ xảy ra hàng ngày giữa nhóm vũ trang Hezbollah và Lực lượng Phòng vệ Israel.
Hai nguồn tin trong khu vực nói với Reuters rằng mặc dù Israel tập trung vào cuộc chiến ở Gaza nhưng nước này cũng quyết tâm đẩy lùi Hezbollah ra khỏi biên giới phía bắc để hàng chục nghìn người Israel sơ tán do giao tranh có thể trở về nhà.
Nhiều kịch bản cho Gaza thời hậu chiến nhưng không có kịch bản vẹn toàn
Trong trường hợp Israel hoàn thành mục tiêu chiến dịch, loại bỏ hoàn toàn nhóm Hamas, các chuyên gia dự đoán rằng kịch bản Lực lượng Phòng vệ Israel vẫn sẽ tiếp tục hiện diện ở Gaza có khả năng xảy ra rất cao.
Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu cho biết Israel muốn “phi quân sự hóa” Dải Gaza và biến khu vực này thành “vùng đệm” để ngăn các cuộc tấn công tương tự vụ việc hôm 7-10 tái diễn.
Hầu hết các chính trị gia và nhà phân tích cho rằng tầm nhìn của Israel đối với Gaza thời hậu chiến là mô phỏng mô hình hiện tại ở Bờ Tây (Palestine). Trong đó, có một số cơ quan Palestine được chỉ định điều hành các vấn đề dân sự còn Israel duy trì kiểm soát an ninh.
“Tôi không tin Israel sẽ rời Gaza về mặt quân sự. Họ sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm về an ninh và cho phép lực lượng của mình tiến vào khu vực bất cứ khi nào họ muốn” - theo GS Khatib.
Tuy nhiên, kịch bản này vấp phải thách thức rằng còn chiếm đóng thì sẽ còn sự phản kháng. Đặc biệt là với Hamas, một phong trào đã “bám rễ” vào từng thớ đất ở Gaza, dù bộ máy chiến đấu của Hamas bị tiêu diệt, nhóm này cũng dễ dàng tái sinh, theo trang Foreign Policy.
Kịch bản thứ hai, cũng được Israel ủng hộ, đó là thành lập một chính quyền đa quốc gia, bao gồm các nước Ả Rập và một hội đồng Palestine cùng kiểm soát Gaza.
Nhưng có vẻ không quốc gia Ả Rập nào muốn tham gia vào liên minh này vì nhiều lý do: không muốn rơi vào tình thế nhạy cảm khi đứng giữa Israel và các phong trào Hồi giáo trong khu vực, vấn đề tài chính để tái thiết Gaza,...
Bộ trưởng Ngoại giao Jordan - ông Ayman Safadi hồi tháng 11 đã thẳng thừng tuyên bố rằng các quốc gia Ả Rập không sẵn sàng “dọn mớ hỗn độn” mà Israel để lại.
Một kịch bản khác được nhiều nước phương Tây ủng hộ đó là để chính quyền Palestine toàn quyền kiểm soát Gaza. Tuy nhiên, tính thực tiễn và khả năng các bên chấp nhận kịch bản này vẫn còn nhiều nghi vấn.
Israel nhiều lần bác bỏ đề xuất này vì cho rằng chính quyền Palestine ủng hộ các nhóm khủng bố chống lại Israel, trong khi đó, Hamas cho rằng bất cứ quyết định nào về tương lai của Gaza phải có sự tham gia của họ.
Kịch bản còn lại chính là có sự tham gia của Hamas vào chính quyền Palestine hậu chiến. Kịch bản này đòi hỏi sự nhượng bộ nhất định của Israel với Hamas cũng như sự công nhận ngay lập tức từ Israel và các nước phương Tây đối với nhà nước Palestine tự do, độc lập và có chủ quyền.
Trước tình thế mỗi phương án đều có từ “tuy nhiên”, GS Khatib nhận định một cách bi quan: “Hiện không có chân trời chính trị cho cuộc xung đột, mọi giải pháp đều đã bốc hơi”.