Xung đột Nga - Ukraine: Doanh nghiệp Việt tìm cách vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo trong trường hợp xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, các công ty xuất khẩu sẽ gặp những bất lợi không nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh những rủi ro thì đây cũng có thể là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam đa dạng hóa thị trường, tái cấu trúc sản phẩm để vào các thị trường khó tính.

Nhiều đơn hàng “đứng hình”

Nhiều công ty đang xuất khẩu hàng may mặc, túi xách, nông sản… sang Nga cho biết  đang hứng chịu nhiều thiệt hại. Theo đó, một số ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế gây ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng với đối tác Nga.

Các công ty Việt có cơ hội tốt để vào thị trường EU. 
Trong ảnh: Các sản phẩm bún khô, phở khô... được Công ty Duy Anh Food xuất khẩu sang Hà Lan. Ảnh: TÚ UYÊN 

Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh, thông tin công ty đang xuất khẩu các sản phẩm như bánh tráng, bún khô, phở khô... sang 55 quốc gia trong đó có bốn khách hàng ở Nga và một ở Ukraine. Trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu năm container sang hai thị trường này. Tuy nhiên, hiện nay việc xuất khẩu gặp không ít vướng mắc.

Cụ thể, vào ngày 24-2, hãng tàu báo lịch tàu vẫn chạy bình thường nhưng sau một tuần họ báo lại dừng chuyến đi Nga. Vì vậy, các container hàng xuất khẩu qua hai thị trường này phải ngưng lại toàn bộ. “Công ty đành phải lưu hàng tại kho hoặc bán cho khách hàng ở thị trường Ba Lan, Czech” - ông Toàn kể.

Tập đoàn Phúc Sinh mỗi năm xuất khẩu khoảng 30 triệu USD các sản phẩm cà phê, hạt điều, tiêu... sang Nga. Riêng từ đầu năm đến nay, đơn hàng sang Nga tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Công ty chỉ xuất khẩu trực tiếp khoảng 10%, còn lại 90% xuất khẩu qua các văn phòng, công ty lớn của Hà Lan, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Đức...

Tuy nhiên, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh, nói khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, các nước phương Tây áp đặt trừng phạt lên Nga thì các đơn hàng xuất khẩu đều bị chặn đứng. Đơn cử, với việc Nga bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT), đơn hàng sang Nga bị giảm một nửa giá trị vì đồng rúp mất giá, việc thanh toán đình trệ.

“Chưa hết, các đối tác ở châu Âu, Nga cũng đang gặp khó khăn ngoài ý muốn do các lệnh trừng phạt nên các đơn đã giao bị kẹt ở khâu thanh toán” - ông Thông dẫn chứng.

Tháo nút thắt thanh toán

Đại diện một số công ty cho hay do lệnh cấm vận nên hiện nay các hãng vận tải, chuyển phát nhanh cũng không dám nhận hàng. Những ngày qua, nhiều công ty Việt liên tục liên lạc với khách hàng tại Nga và châu Âu để cập nhật tình hình cũng như đề nghị quyết toán tài chính nhưng chỉ có một số đơn hàng được thanh toán.

Để giảm thiệt hại, các DN đang xoay xở bằng nhiều cách. “Chúng tôi chấp nhận dỡ hàng tại cảng chuyển tải. Nhờ đó giúp giảm một phần rủi ro khi đối tác không còn khả năng thanh toán và giúp công ty có thể bán hàng sang các thị trường khác. Riêng với những đơn hàng đã ký kết, công ty thương lượng với đối tác để tìm hướng giải quyết” - lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sinh cho biết.

TS Trần Quốc Hùng, Tổng giám đốc Viện Tài chính quốc tế IIF Washington DC, chia sẻ tác động nghiêm trọng nhất của xung đột Nga - Ukraine là cấm vận về tài chính. Do đó, trước mắt các DN Việt cần chú ý tạo ra kênh chi trả thanh toán với các đối tác Nga và các đối tác nước khác một cách rõ ràng, hợp pháp, giảm thiểu nguy cơ bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây.

“Đây là bài toán hóc búa, vì vậy đề xuất Chính phủ và các cơ quan ngoại giao Việt Nam tìm hiểu, nghiên cứu cũng như tranh thủ sự tư vấn của các chuyên gia, luật sư quốc tế để hỗ trợ cộng đồng DN Việt” - ông Hùng khuyến nghị.

TS Hùng cũng khuyến nghị các hiệp hội, DN Việt cần nhanh chóng tìm hiểu về Luật Cấm vận của Mỹ cũng như các nước châu Âu. Song song đó, các công ty Việt Nam nhanh chóng tiến hành thương thảo với đối tác Mỹ để tránh bị chế tài vì bị cáo buộc vi phạm những biện pháp trừng phạt đối với Nga và một số thị trường liên quan.

Cơ hội với nhiều sản phẩm

Theo TS Trần Quốc Hùng, bên cạnh những tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine thì các nhà sản xuất, kinh doanh cũng có thể xem đây là cơ hội để tái cấu trúc, tìm kiếm các thị trường mới. Chẳng hạn thị trường Bắc Phi, Trung Đông chủ yếu nhập lúa mì từ Nga và Ukraine, nay họ đang tìm nguồn thay thế và đây là cơ hội các nhà xuất khẩu Việt.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược, cho rằng mặc dù những đơn vị đang giao thương với Nga bị ảnh hưởng mạnh nhưng về tổng thể lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam không bị ảnh hưởng lớn.

“Các DN không còn nhập khẩu được hàng hóa như phân bón, thức ăn chăn nuôi… từ Nga nên phải nhập từ quốc gia khác khiến giá cả tăng lên. Song họ phải làm quen vì nền kinh tế thị trường là như vậy, không có cuộc khủng hoảng này sẽ có khủng hoảng khác. Sự khó khăn này buộc chúng ta phải đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa thị trường. Vai trò của Nhà nước là can thiệp làm sao quá trình dịch chuyển này tốt hơn bằng vai trò kết nối, giới thiệu dựa trên sự nỗ lực của các DN. Tôi tin các nhà kinh doanh Việt Nam rất giỏi trong việc linh hoạt ứng biến ở những thời điểm thị trường bị sang chấn như hiện nay” - ông Thành nói.•

EU đang có nhu cầu cao về gạo, nông sản

TS Trần Quốc Hùng, Tổng giám đốc Viện Tài chính quốc tế IIF Washington DC, đánh giá: Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Ukraine đứng thứ năm. Tính chung hai nước này cung cấp hơn 30% lúa mì cho thị trường thế giới. Do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine và cấm vận đã làm giá lúa mì tăng 50% trong tháng qua và đẩy giá các loại ngũ cốc, nông phẩm khác cũng tăng cao. Nếu chiến sự kéo dài, mức cung lúa mì cho thế giới có thể giảm 30%, tạo ra khủng hoảng lương thực khiến giá nông sản tăng cao thêm.

Việt Nam xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn gạo mỗi năm, đứng thứ hai thế giới. Do đó, giá gạo và nông sản tăng có lợi cho Việt Nam. Ví dụ, mỗi năm EU nhập khoảng 160 tỉ USD lương thực. Thời điểm này là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo, các loại nông sản sang EU đang có nhu cầu tăng.

“Việt Nam nên tập trung nâng cao thị phần trong EU, trước mắt là sử dụng hết hạn ngạch xuất lúa gạo 80.000 tấn/năm với thuế quan 0% theo Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Đặc biệt nên phát triển các loại gạo thơm cấp cao, nhiều giá trị đang được châu Âu ưa chuộng” - ông Hùng khuyến nghị. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm